Giá vàng vẫn ‘neo’ cao
Nhiều chuyên gia kinh tế phân tích: Giá vàng trong nước còn chịu tác động nhiều từ giá vàng thế giới. Hiện, giá thế giới vẫn có xu hướng tăng rất mạnh nên giải pháp đấu thầu vàng, về lâu dài, không đủ để bình ổn thị trường vàng.
Trước thông tin đấu thầu vàng sáng 23/4, chiều 22/4, giá vàng SJC vẫn tăng mạnh so với sáng cùng ngày. Tuy nhiên, dù giá vàng lên nhưng theo khảo sát của phóng viên chiều 22/4, tại “con phố vàng” Trần Nhân Tông, Hà Nội, lượng khách tới giao dịch vàng khá thưa thớt.
Phiên chiều 22/4, giá vàng SJC giao dịch tại Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn là 81 - 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 700.000 đồng/lượng mỗi chiều so với sáng 22/4. Tại Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC giao dịch 80,7 - 83,2 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng mỗi chiều so với sáng 22/4.
Giá vàng miếng có dấu hiệu giảm chậm lại dù giá kim loại quý thế giới giảm sâu. Nếu như sáng 22/4, giá vàng thế giới chỉ giảm hơn 13 USD/ounce, thì chiều 22/4 giảm hơn 33 USD/ounce, giao dịch tại mức 2.359 USD/ounce, quy đổi thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 10,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn chiều 22/4 giảm 500.000 - 800.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối tuần trước, giao dịch 74 - 74,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 75,9 - 76,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Nếu như biên độ mua - bán vàng miếng ở mức 2,4 - 2,5 triệu đồng/lượng thì đối với vàng nhẫn là 1,7 - 1,9 triệu đồng/lượng.
Không chỉ vàng miếng SJC, vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn, vàng trang sức đang là vấn đề “nóng” của các doanh nghiệp. Theo lãnh đạo PNJ, cả thời gian dài, có nhiều thời điểm, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu bị hạn chế, có những lúc không có vàng để sản xuất. Trong khi đó, công ty không thể dự trữ vàng nguyên liệu cho cả năm vì giá vàng biến động từng ngày, từng giờ nên phải tính mua lúc nào, mua như thế nào để bảo đảm giá vốn…
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hủy phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 22/4, NHNN lập tức thông báo phiên đấu thầu vàng miếng sáng 23/4 tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước số 25 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo đó, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng vàng; khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Loại vàng đấu thầu là vàng miếng SJC do NHNN tổ chức sản xuất. Tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 80,7 triệu đồng/lượng.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô tương đương 1.400 lượng, khối lượng tối đa là 20 lô tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô tương đương 100 lượng.
Khơi thông phần nào ‘cơn khát’ thị trường
Dư luận và nhà đầu tư đang băn khoăn về 16.800 lượng vàng đấu thầu, liệu có đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 22/4, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Nếu phiên đấu thầu vàng sáng 23/4 thành công sẽ tác động khiến giá vàng trong nước giảm bởi sẽ có một lượng vàng đẩy vào trong lưu thông thị trường. “Về lâu dài, nếu muốn hạ giá vàng ổn định, NHNN cần phải đấu thầu lượng vàng nhiều hơn nữa bởi nhu cầu mua vàng đang rất cao. Ngoài việc đấu thầu vàng, Chính phủ, NHNN cần sớm sửa đổi, ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Theo đó cần xóa độc quyền vàng miếng thương hiệu vàng SJC cũng như giao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng thay vì chính NHNN thực hiện việc này”, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Rất nhiều lần, chuyên gia tài chính này kiến nghị Nhà nước sớm thành lập sàn vàng để hút được số vàng còn nằm trong dân qua việc phát hành chứng chỉ vàng cho NHNN.
Việc nhập khẩu một số lượng vàng nhất định là phù hợp bởi nguồn cung trong nước không đủ. TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia kỳ vọng: Việc đấu thầu vàng sẽ làm tăng tính công khai, minh bạch, tăng nguồn cung vàng trong kinh tế, từ đó giảm chênh lệch giữa trong nước và quốc tế.
“Năm 2013, công cụ đấu thầu vàng đã được NHNN sử dụng nhằm hạ nhiệt giá vàng. Tuy nhiên, số lượng nhập khẩu là bao nhiêu sẽ phải tính toán để phù hợp với hiện tại để kiểm soát cung cầu, đảm bảo dự trữ ngoại hối của Việt Nam, qua đó góp phần ổn định tỉ giá, kinh tế vĩ mô”, TS Cấn Văn Lực cho biết.
Đề cập việc có nên lập sàn giao dịch vàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng: “Nếu mở sàn giao dịch vàng, vô hình trung lại kích cầu về thị trường vàng, khi ấy lại đi ngược lại chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế mà Việt Nam đã duy trì hơn chục năm qua. Xu hướng chung của thế giới cũng không theo hướng lập sàn giao dịch vàng. Trước kia, Ấn Độ, Trung Quốc cũng lập sàn giao dịch vàng và hiện vẫn duy trì nhưng họ cũng chuyển dịch theo hướng khuyến khích giao dịch bằng vàng tài khoản nhiều hơn, cái này đưa đến hiệu ứng tích cực là khuyến khích giao dịch không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế”.
Nhiều chuyên gia đồng tình: NHNN muốn thu hẹp chênh lệch giá vàng SJC với thế giới còn phụ thuộc vào số lượng phiên đấu thầu, lượng vàng cung ra thị trường từ đấu thầu… PGS TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Về cơ bản, sau khi đấu thầu vàng, giá vàng cũng giảm từ từ vì sau khi đấu thầu, còn độ trễ thời gian để doanh nghiệp đóng tiền, nhận vàng, tiến hành kiểm định các đầu mối để bán ra thị trường.
“Dự kiến sáng 23/4, có 16.800 lượng vàng sẽ được đưa ra đấu giá nhưng so với lượng cầu của thị trường là bao nhiêu vẫn còn là ẩn số. Nếu số lượng đem ra đấu thầu này đáp ứng được phần lớn lượng cầu, giá vàng có thể giảm ngay. Nhưng nếu chưa đáp ứng được lượng cầu, mức giảm sẽ không đáng kể", ông Đinh Trọng Thịnh nhận định với phóng viên báo Tin tức chiều 22/4.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định: Lúc này NHNN cần sửa đổi Nghị định 24 một cách toàn diện, cẩn trọng và xem xét tính phù hợp để quyết định sửa đổi thế nào; tăng cường kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đối với những doanh nghiệp, cửa hàng được phép kinh doanh vàng. Đặc biệt, việc xuất hóa đơn điện tử và có kết nối với cơ quan thuế cho những giao dịch vàng, từ đó, thị trường vàng sẽ công khai minh bạch hơn, rõ ràng hơn.
Xử nghiêm trường hợp buôn lậu, thổi giá vàng
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu NHNN kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng; khắc phục ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao.
Theo Chỉ thị số 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký, kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi tích cực. Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, độ mở lớn, nên Việt Nam đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức nhất là các yếu tố bên ngoài.
Trong nước, vấn đề tỷ giá, áp lực lạm phát có xu hướng tăng; hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; các thị trường tài chính, tiền tệ cần theo dõi kỹ lưỡng, có giải pháp phù hợp để không làm ảnh hưởng đến hiệu quả cung ứng vốn cho nền kinh tế…
Thủ tướng giao NHNN điều hành kịp thời, linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Thực hiện nghiêm quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm thị trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu quả.