Vụ đông xuân (ĐX) được ngành nông nghiệp đánh giá có khả năng cho năng suất cao với chất lượng tốt nhất trong năm. Tuy nhiên, sau những bất thường về thời tiết, giá vật tư nông nghiệp lại đang tăng cao đã dồn lên vai nhà nông gánh nặng về chi phí sản xuất.
Thắc thỏm cùng giá phân bón
Tháng 12, những cánh đồng trải dài tít tắp ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đã bắt đầu khoác lên mình màu xanh mơn mởn của mạ non vừa gieo sạ. Thống kê của ngành nông nghiệp, tính tới đầu tháng 12, các tỉnh, thành khu vực này đã xuống giống gần 540.000 ha lúa, đạt hơn 1/3 kế hoạch vụ ĐX. Đang lom khom làm cỏ chuẩn bị cho đợt gieo sạ mới, anh Hùng (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) nói: “Lũ không về, nhà nông tụi tui phải bỏ kinh phí nhiều hơn cho việc chăm sóc đồng ruộng. Giá phân bón lại đang tăng dữ trong khi giá lúa tăng không đáng kể, làm chúng tôi ăn ngủ không yên”.
Giá phân bón tăng cao gây khó cho nông dân. Ảnh: - TTXVN |
Khảo sát của phóng viên cho thấy, hiện giá phân urê của Nhà máy đạm Phú Mỹ bán lẻ đã tăng lên mức 8.800 đồng/kg, tăng thêm 2.200 đồng/kg so với đầu tháng 11. Các loại urê của Trung Quốc, Inđônêxia cũng tăng, từ 8.450 - 8.500 đồng/kg. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở Tây Ninh, Long An, giá phân urê từ mức 310.000 đồng/bao (50 kg) đã tăng lên 460.000 đồng/bao. Phân DAP cũng dao động từ 760.000 - 780.000 đồng/bao (50 kg). Theo các chủ đại lý bán lẻ phân bón, đây là hai mặt hàng có mức tăng cao nhất với khoảng 40% so với thời điểm đầu tháng 10.
Theo tính toán của bà con, với giá phân bón như hiện nay thì nhà nông phải bỏ thêm 2-3 triệu đồng/ha, chưa tính các chi phí khác cũng đang tăng kiểu “té nước theo mưa” như giá nhân công, vận chuyển… Rất nhiều nông dân đang tính đến việc chuyển sang canh tác các loại cây rau màu khác cho giá trị kinh tế cao hơn. “Trung bình trước đây, 1 ha vụ ĐX, nếu thu hoạch được khoảng 6,5 tấn thóc sẽ cho lãi từ 3-3,5 triệu đồng. Nhưng với chi phí tăng cao như hiện nay, vụ ĐX này tụi tui lãi khoảng 1,5 triệu/ha là mừng lắm rồi. Chỉ mong đừng thua lỗ, lấy công làm lời thôi”, anh Hậu – một nông dân ở huyện Trãng Bàng (Tây Ninh) than thở.
Nỗ lực tăng cung
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, vụ ĐX năm nay cả nước sẽ cần từ 700.000 - 800.000 tấn phân các loại và doanh nghiệp trong nước chỉ đáp ứng khoảng 55% so với nhu cầu. Để lấp khoảng trống trên, ngành nông nghiệp cần phải nhập khẩu thêm 150.000-200.000 tấn phân urê, 100.000 tấn DAP, 150.000 tấn kali… Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, nhu cầu phân bón cho vụ ĐX tại các nước trên thế giới khá lớn trong khi nguồn cung tiếp tục hạn hẹp do Trung Quốc dự kiến áp dụng mức thuế xuất khẩu cao trong 2 năm nhằm đảm bảo nguồn cung cho sản xuất nông nghiệp nước này. “Chúng ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, trong khi tỷ giá USD tăng nhanh, nguồn cung hạn hẹp, thì phân bón không tăng giá mới là chuyện lạ”, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội giải thích.
Trong nỗ lực giúp các doanh nghiệp nhập khẩu đủ phân bón, Bộ Công Thương vừa đề nghị đưa phân bón vào danh mục ưu tiên về nguồn và tỷ giá ngoại tệ, đặc biệt là phân urê và DAP. Nhằm khuyến khích nhập khẩu phân bón, tăng nguồn cung, Bộ cũng yêu cầu Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí đưa ra giá bán phân urê sát giá thị trường để cân bằng với giá bán của các doanh nghiệp nhập khẩu; phối hợp với ngành nông nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có kế hoạch sản xuất cụ thể, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp.
Lê Nghĩa