Theo các tiểu thương tại chợ Phước Bình (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) hai tháng nay, giá ớt hiểm tăng rất cao, có lúc lên đến 220.000 đồng/kg nên rất khó bán. Vì giá ớt tăng cao nên ai mua 1.000 - 2.000 đồng chỉ được 1-2 quả và tiểu thương cũng không tặng ớt kèm khi mua rau củ như trước đây.
Thống kê từ chợ đầu mối Thủ Đức cho thấy, gần đây, giá ớt hiểm tăng liên tục. Theo đó, nếu như tháng 11 giá ớt hiểm chỉ 58.000 đồng/kg, đến tháng 12 và hiện nay giá ớt tăng lên trên 100.000 đồng/kg. Khi ớt về các chợ truyền thống, giá sẽ được cộng các chi phí xăng dầu, công vận chuyển nên đội giá lên cao.
Theo Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex, sở dĩ hơn một tháng nay giá ớt hiểm tăng cao tại khu vực phía Nam là do đang thiếu nguồn cung và hiện doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn để có đủ nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất Tết. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, công ty tính toán giá bình quân cả năm nên dù thị trường ớt có biến động nhưng các sản phẩm từ ớt vẫn được giữ giá bình ổn.
Tương tự, ông Phạm Nhật Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH sản xuất chế biến ớt Phạm Tân cho biết, đặc tính của trái ớt không trồng được vào mùa mưa và khu vực miền Nam mùa mưa vào các tháng 6, 7, 8; do đó theo quy luật hàng năm, từ tháng 11 đến tháng 1 giá ớt sẽ tăng vì thiếu nguồn cung.
“Đặc biệt năm nay giá ớt tăng cao đột biến còn do Trung Quốc đang vào mùa đông, họ không trồng được ớt nên tăng cường thu mua ớt của Việt Nam, Thái Lan để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Mặt khác, từ đầu năm, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 không xuất khẩu được sang Trung Quốc, ớt rớt giá còn 10.000 đồng/kg. Cũng vì bị thua lỗ nên nông dân miền Nam cũng không trồng ớt. Chính những điều này, đã khiến giá ớt hiểm tăng cao như hiện nay”, ông Phạm Nhật Tân cho biết thêm.
Theo ông Phạm Nhật Tân, hiện giá ớt được thu mua tại vườn của nông dân dao động từ 90.000 - 96.000 đồng/kg, so với giá cùng kỳ năm ngoái đã tăng lên gấp ba lần. Tuy nhiên, mùa vụ của ớt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 2 đến tháng 7, còn khu vực miền Trung từ tháng 4 đến tháng 8, miền Bắc từ tháng 9 đến tháng 11 nên hiện đang thiếu nguồn cung. Giá ớt đang cao nên nông dân các vùng cũng đang trồng lại ớt, theo đó dự báo từ đầu tháng 2 đến tháng 7 giá ớt sẽ ổn định trở lại.