Giá nhiều loại hải sản tăng cao, hút hàng

Trong 2 ngày vừa qua, nhiều loại hải sản tại Trà Vinh, nhất một số hải sản tươi sống như tôm sú, tôm càng xanh, cua biển, sò huyết, vọp… bắt đầu hút hàng, giá bán đã tăng lên mức bình quân từ 10.000 – 20.000 đồng/kg.

Chú thích ảnh
Tôm thẻ chân trắng. Ảnh minh họa: Huỳnh Sử/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Thu, chủ đại lý thu mua hải sản chợ Trà Vinh cho biết, giá hải sản tăng, hút hàng là do nhà hàng, các điểm du lịch, hàng quán ẩm thực tăng lượng thu mua để phục vụ người tiêu dùng trong dịp lễ Quốc khánh 2/9. Tuy nhiên, chỉ có một số loại hải sản được khai thác, nuôi trồng theo phương thức thiên nhiên, chất lượng sạch và được bảo quản tươi sống mới bán được giá cao.

Cụ thể, tôm sú được nuôi theo mô hình quảng canh rừng – tôm đạt kích cở từ 10 – 14 con/kg, được bảo quản có máy cung cấp ô xy còn sống có giá 350.000 đồng/kg; tôm càng xanh loại 7 con/kg (loại I) và còn sống có giá 300.000 – 320.000/kg; cua biển loại 1 con/kg có giá 450.000 đồng/kg, cua thịt loại 2 – 3 con/kg có giá 350.000 đồng/kg, cua gạch loại 3 – 4 con/kg có giá 400.000 đồng/kg; sò huyết loại 50 -60 con/kg có giá 170.000 đồng/kg.  Tuy giá hải sản tươi sống tăng cao nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 50% đơn đặt hàng của các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ẩm thực…

Ông Huỳnh Văn Phong, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải cho biết, gia đình có hơn 3 ha đất rừng được bố trí kết hợp nuôi thuỷ sản như tôm sú, cua biển quảng canh. Trong 3 năm  đã qua, nếu so sánh về hiệu quả giữa nuôi tôm thâm canh và mô hình rừng – tôm, tỷ lệ lợi nhuận rừng – tôm đạt 90 - 95%, còn nuôi tôm thâm canh chỉ đạt khoảng 30%.

Lợi thế mô hình rừng – tôm giúp nông dân giảm đến hơn 80% chi phí thức ăn, chủ động trong thu hoạch để chọn lựa tôm đạt kích cỡ loại I (10 con/kg trở lại) bán được giá cao, không bị động thu hoạch và thất thu khi gặp thị trường tôm giảm giá. Khi vào các dịp lễ, tết trong năm, ông Phong tăng thu hoạch và chọn tôm, cua đạt kích cỡ loại I cung ứng cho thị trường với giá cao hơn từ 20 – 30% do sản phẩm nuôi sinh thái được thương lái ưa chuộng đặt hàng.

Ông Nguyễn Văn Hải, hộ nông dân chuyên nuôi tôm càng xanh ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải cho biết, gia đình ông nuôi con tôm càng xanh toàn đực đem lại thu nhập khá ổn định trong 5 năm qua. Với diện tích 1 ha mặt nước, mỗi năm ông nuôi tôm càng xanh toàn đực với mật độ nuôi thưa từ 5- 7 con/m2, sau 7 – 8 tháng thu hoạch chọn tôm loại I để bán, tôm chưa đạt kích cỡ thì tiếp tục nuôi vỗ béo. Với cách nuôi như vậy, mỗi năm gia đình thu nhập từ 100- 120 triệu đồng, nhờ tôm luôn bán được giá cao.

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp Trà Vinh, trong năm 2023, tại các huyện vùng ven biển Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, thị xã Duyên Hải có khoảng 5.700 ha được nông dân nuôi trồng thủy sản theo mô hình sản xuất rừng – tôm. Đây là mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững luôn được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích sản xuất, nhất là với hộ nông dân không có đủ diện tích đất lớn, nguồn vốn đầu tư để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh công nghệ cao.

Phúc Sơn (TTXVN)
Giá tôm ở Kiên Giang giảm sâu
Giá tôm ở Kiên Giang giảm sâu

Thời điểm này, tỉnh Kiên Giang đang thu hoạch tôm chính vụ, nhưng giá tôm trên thị trường giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 khiến cho nông dân nuôi tôm kém vui, lợi nhuận thấp sau khi trừ chi phí sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN