Không chỉ nhiên liệu (dầu, nhớt) tăng giá liên tục mà các chi phí đầu vào khác phục vụ cho nghề khai thác thủy sản cũng tăng chóng mặt.
Tỉnh Bạc Liêu có chiều dài bờ biển 56km, có 4 cửa sông lớn thông ra biển, có ngư trường gần 40.000 km2 với trữ lượng thủy sản đa dạng về chủng loại. Toàn tỉnh có đội tàu khai thác thủy sản trên 1.200 chiếc, trung bình mỗi năm khai thác thác trên 100.000 tấn thủy sản các loại.
Tại cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải, những ngày này không còn cảnh nhộn nhịp tàu, thuyền ra vào như trước. Thay vào đó là hình ảnh hàng chục chiếc tàu neo đậu san sát nhau. Đối với ngư dân ở đây, năm nay là một năm mà việc làm ăn gặp quá nhiều bất lợi. Bà con ai cũng muốn nhanh chóng kết thúc năm để bắt đầu năm mới với niềm hy vọng vào một kết quả khả quan hơn.
Ông Đặng Quốc Thùy, chủ tàu cá Hòa Bình ở ấp 1, thị trấn Gành Hào cho biết, trong chuyến biển vừa rồi, ghe của gia đình ông phải chịu khoản chi phí phát sinh trên 60 triệu đồng so với trước (bao gồm phí xăng dầu tăng giá đội lên hơn 50 triệu đồng, các mặt hàng nhu yếu phẩm cùng rau, củ, quả cũng cao hơn 3 triệu đồng; chi phí test COVID-19 cho tài công và ngư phủ trên 4 triệu đồng). Trong khi đó, sản lượng khai thác sụt giảm, một số mặt hàng thủy sản khai thác được có giá trị kinh tế không cao khiến cho lợi nhuận thu được hầu như không có.
Trường hợp của ông Thùy vẫn còn may vì còn ít lợi nhuận, chứ một số chủ tàu khác lỗ cả trăm triệu đồng một chuyến ra khơi. Khai thác lỗ vốn không có tiền trả nhiên liệu, các cửa hàng xăng dầu vì thế cũng từ chối cung cấp tiếp xăng dầu để tàu ra khơi.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, ở ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, chỉ trong 2 tháng qua, giá xăng dầu đã tăng lên gần 4.000 đồng/lít, điều này làm cho chi phí đầu tư cho 1 chuyến đi biển của ngư dân tăng lên rất nhiều trong bối cảnh các mặt hàng thủy sản khai thác vừa không có đầu ra vừa sụt giảm.
Bình quân một tàu công suất lớn, ra khơi đánh bắt 1 tháng chỉ riêng chi phí xăng dầu đã tăng lên từ 40 triệu đến hơn 70 triệu đồng. Với sự gia tăng chi phí như vậy, các chủ tàu hết sức đắn đo trước khi cho tàu rời bến.
Trong số các địa phương ven biển có nghề khai thác thủy sản trên biển của tỉnh Bạc Liêu thì huyện Đông Hải có đội tàu khai thác biển hùng hậu nhất với 600 phương tiện khai thác thủy sản (chiếm 1/2 tổng số phương tiện khai thác toàn tỉnh).
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, do chi phí tăng nên hiện tại có gần 70% số lượng tàu khai thác thủy sản trên địa bàn nằm bờ vì các chủ tàu sợ thua lỗ. Năm 2021, huyện Đông Hải đề ra chỉ tiêu khai thác thủy sản là 70.000 tấn. Với diễn biến như hiện nay, huyện Đông Hải khó đạt được mục tiêu đề ra.
Đặc trưng của nghề đi biển, chủ tàu, tài công và ngư phủ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Thu nhập của tài công và ngư phủ có được từ lợi nhuận của các chủ tàu. Ông Võ Văn Vui, một tài công tàu cá ở thị trấn Gành Hào cho biết trước đây, mỗi chuyến biển tài công có thu nhập 20-30 triệu đồng/người/chuyến, hiện nay đã giảm xuống còn 10 triệu đồng. Thu nhập của ngư phủ còn thấp hơn, chỉ 3-4 triệu đồng/chuyến, khiến họ không đủ trang trải cuộc sống.
Cùng với gia tăng chi phí đầu vào, ngư dân tỉnh Bạc Liêu cũng đang lo lắng bởi thời điểm hiện nay đang trong mùa mưa bão, nếu chuyến biển ra khơi không thuận lợi, tàu buộc phải quay vào bờ thì chủ tàu lỗ vốn, còn tài công và ngư phủ xem như không có thu nhập.
Cùng với nghề khai thác thủy sản thì nghề làm khô của người dân Gành Hào đã nổi tiếng từ rất lâu, cả trong lẫn ngoài tỉnh. Với hơn 30 cơ sở sản xuất, chế biến, mỗi năm các loại khô do thị trấn Gành Hào cung ứng cho thị trường hơn 600 tấn. Một khi nhiều tàu cá nằm bờ kéo theo đó ảnh hưởng rất lớn đến nghề làm khô (không có nguồn nguyên liệu) và người dân cũng bị giảm thu nhập. Nhất là khi mùa làm khô phục vụ tết đã cận kề. Những năm trước, thời điểm này, người dân của huyện Đông Hải tấp nập với những chuyến tàu đầy ắp tôm, cá, mực… Người đi biển lo khai thác đánh bắt, người trên bờ tất bật làm khô chuẩn bị phục vụ thị trường tết.
Bà Trần Xuân Mai, chủ cơ sở sản xuất khô Xuân Mai, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải than thở, khoảng 2 tháng nay cơ sở của bà thiếu nguyên liệu làm khô. Nhiều khả năng các mặt hàng khô phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán như tôm khô, khô mực, khô cá khoai, cá thiều, cá đuối… sẽ khan hiếm, có khả năng giá tăng cao so với những năm trước.
Ông Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho biết, khai thác thủy sản là lĩnh vực kinh tế thế mạnh của Bạc Liêu, bởi tỉnh có đường bờ biển dài. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân, mà còn cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Những khó khăn hiện tại, chỉ là nhất thời và không phải ngư dân nào cũng thua lỗ.
Tuy nhiên, nếu tình hình kéo dài thêm, chắc chắn hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh Bạc Liêu sẽ đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng; trong đó, không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của ngư dân mà còn làm gián đoạn nguồn cung cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu.
Để giải quyết những vấn đề trên, ngành nông nghiệp của tỉnh đang phối hợp với các địa phương ven biển vận động ngư dân thành lập các tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản nhằm hỗ trợ nhau trong việc giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác.
Tính đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã thành lập 81 tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển với 408 tàu cá và khoảng 3.000 lao động tham gia. Bên cạnh việc giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất, việc hình thành các tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển còn là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm trong những chuyến biển xa.
Cùng với tập trung phát triển đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển, tỉnh Bạc Liêu cũng thực hiện chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường theo hướng khai thác các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau khai thác cũng đang được đẩy mạnh thực hiện.
Tất cả những việc làm này nhằm hiện thực hóa “trụ cột thứ 5” là phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bạc Liêu.