Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã trao đổi với phóng viên TTXVN về những tác động của CPTPP đối với người lao động cũng như tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Xin ông cho biết việc gia nhập Hiệp định CPTPP sẽ tác động như thế nào đến vấn đề việc làm và người lao động Việt Nam?
Ngày 12/11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã bấm nút phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự ủng hộ tuyệt đối của các đại biểu tham dự phiên họp. Xét dưới giác độ việc làm và người lao động, CPTPP mang lại cả cơ hội và thách thức, có những thuận lợi và khó khăn đan xen.
Về cơ hội, việc gia nhập CPTPP sẽ đem lại nhiều cơ hội mới về việc làm cho người lao động, dự báo có thể mang lại 352 ngàn tới 456 ngàn việc làm tùy vào kịch bản, đem lại tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội. Một số ngành được hưởng lợi lớn về việc làm là dệt may, thương mại và các ngành công nghiệp nhẹ.
Những cam kết trong CPTPP mà cốt lõi là cắt giảm hàng rào thuế quan, thực hiện nguyên tắc tự do bình đẳng trong thương mại mở ra việc tiếp cận thị trường một cách toàn diện, đảm bảo sự dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tạo ra nhiều cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp. Về chất lượng việc làm, thời gian đầu tham gia, khả năng số lao động có tay nghề thấp tăng nhanh hơn, nhưng những năm sau, tỷ lệ lao động có kỹ năng sẽ tăng lên, số việc làm với lao động có trình độ kỹ thuật sẽ nhiều hơn.
Cùng với cơ hội việc làm, các tiêu chuẩn lao động tiếp tục được yêu cầu cao hơn, bởi lẽ bình đẳng lao động là một trong những nội dung để thực hiện tự do bình đẳng trong thương mại. Toàn bộ cam kết chung về lao động trong CPTPP cũng chính là các tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu trong tuyên bố 1998 của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), gồm: tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động.
Ngoài ra, các bên phải quy định trong luật pháp và thực hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiếu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp. Những tiêu chuẩn lao động không chỉ từng bước được nội luật hóa trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam mà còn được yêu cầu thực thi với sự giám sát chặt chẽ của các đối tác tham gia, giúp người lao động Việt Nam được thụ hưởng những thành quả của hội nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, việc tự do, bình đẳng trong thương mại sẽ khiến áp lực canh tranh gia tăng giữa các nước thành viên, buộc các nước thành viên nói chung và doanh nghiệp nói riêng phải chuyển đổi, tái cơ cấu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu không làm được điều này, doanh nghiệp, nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ có nguy cơ thất bại trên chính thị trường nội địa, dẫn đến giải thể, phá sản. Trong đó, nhóm các ngành dự báo bị ảnh hưởng mạnh là sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm và hầu hết nhóm ngành dịch vụ. Hệ quả là người lao động sẽ mất việc làm, khoảng cách giàu nghèo gia tăng.
Theo bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do Ngân hàng thế giới công bố, hiện nay, Việt Nam đứng thứ 69 trên thế giới và xếp hạng cuối cùng trong số 11 nước tham gia CPTPP, khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt trên sân nhà. Quan hệ lao động cũng sẽ diễn biến phức tạp khó lường khi doanh nghiệp có thêm tổ chức đại diện khác của người lao động cùng tồn tại đồng thời với công đoàn, môi trường hoạt động công đoàn sẽ có sự thay đổi căn bản; tài chính công đoàn sẽ khó khăn hơn khi bị suy giảm đoàn viên vào tổ chức cơ sở.
Khi gia nhập CPTPP, sẽ có thêm các tổ chức đại diện cho người lao động, việc này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam, thưa ông?
CPTPP có hiệu lực, đây là lần đầu tiên vấn đề đa công đoàn được quy định và áp dụng tại Việt Nam, khi thực hiện trên thực tế sẽ làm thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của tổ chức Công đoàn. Tất nhiên, trong bối cảnh mới, Công đoàn Việt Nam vẫn là tổ chức duy nhất mang trong mình hai sứ mệnh. Đó là đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là tổ chức đại diện cho người lao động, chăm lo lợi ích và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Sau khi các điều khoản về lao động và Công đoàn có hiệu lực, bên cạnh tổ chức Công đoàn hiện nay, người lao động được quyền tự nguyện thành lập, gia nhập một hoặc một số tổ chức khác nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình; tổ chức này chỉ có chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động. Việc ra đời tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, cụ thể là tại doanh nghiệp sẽ đặt ra cho Công đoàn đứng trước thách thức về sự cạnh tranh trong thu hút tập hợp, kết nạp đoàn viên, thành lập tổ chức tại cơ sở.
Tổ chức này chỉ tập trung vào các nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong khi Công đoàn Việt Nam đồng thời phải thực hiện chức năng của đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam và chức năng của tổ chức đại diện của người lao động, nên nguồn lực chắc chắn bị phân tán.
Không những thế, vấn đề chia sẻ nguồn lực tài chính cũng như khó khăn trong thực thi các quy định của pháp luật về vấn đề đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động, tổ chức và lãnh đạo đình công cũng là một thách thức rất lớn đối với tổ chức Công đoàn. Đây là vấn đề chưa có tiền lệ. Thời gian tới, chúng ta cần tập trung xây dựng các quy định pháp luật chặt chẽ, khả thi và thực thi một cách bài bản trên thực tế.
Từ một góc tiếp cận khác, chúng tôi coi việc có thêm tổ chức khác đại diện người lao động ở cơ sở cũng là cơ hội để Công đoàn Việt Nam cạnh tranh và đổi mới, từ đó làm tốt hơn các nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng nâng cao.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã chuẩn bị những kế hoạch gì nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới, thưa ông?
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là một đại hội của đổi mới và hội nhập, vừa được tổ chức rất thành công vào cuối tháng 9 vừa qua tại Thủ đô Hà Nội đã xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các khâu đột phá của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ mới và định hướng cho những năm tiếp theo. Tất nhiên, không phải chỉ đến Đại hội, mà ngay trong quá trình đàm phán TPP nay là CPTPP, Công đoàn Việt Nam đã chuẩn bị các kế hoạch để ứng phó thành công với những vấn đề rất mới này. Tôi xin nêu một số kế hoạch và định hướng lớn:
Một là, quan tâm đặc biệt, tập trung đổi mới tư duy hoạt động Công đoàn cho đội ngũ cán bộ Công đoàn toàn hệ thống, chuyển mạnh từ tư duy hành chính, bao cấp, các hoạt động phong trào thuần túy chuyển sang việc thực hiện chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn, đó là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Hai là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phương pháp chỉ đạo hoạt động Công đoàn theo hướng thực chất, hiệu quả, bám sát nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; Công đoàn cấp trên phục vụ Công đoàn cấp dưới, Công đoàn cơ sở trực tiếp phục vụ đoàn viên người lao động.
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, nhất là đội ngũ chủ tịch Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đủ năng lực phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ. Phấn đấu để mỗi cán bộ Công đoàn các cấp không chỉ là cán bộ đoàn thể làm công tác vận động công nhân lao động mà còn là chuyên gia về tư vấn, thương lượng, đối thoại; nghiên cứu, sắp xếp mô hình tổ chức, quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ mỗi cấp Công đoàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chấp hành Công đoàn các cấp nhất là cấp cơ sở.
Bốn là, Xây dựng nguồn lực Công đoàn đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ, đổi mới công tác tài chính, quản lý sử dụng tài sản theo hướng công khai, minh bạch, phát huy hiệu quả.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động về tổ chức Công đoàn, về những lợi ích mà Công đoàn mang lại cho người lao động, từ đó tiếp tục mở rộng phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn ở cơ sở.
Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang hoàn thiện Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới để báo cáo cơ quan có thẩm quyền, cùng với đó là việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Những nội dung đổi mới, các giải pháp cụ thể để Công đoàn Việt Nam ứng phó có hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới sẽ tiếp tục được bàn thảo, sớm ban hành và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Tôi tin rằng, với truyền thống vẻ vang gần 90 năm đồng hành cùng dân tộc, với bản lĩnh, trí tuệ công nhân viên chức lao động và cán bộ công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, chắc chắn Công đoàn Việt Nam sẽ vượt qua mọi thử thách, biến thách thức thành cơ hội, tiếp tục dẫn dắt đoàn viên, người lao động tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Trân trọng cảm ơn ông!