Nỗ lực xuyên suốt quyết định thành bại của công cuộc hội nhập đỉnh cao này suy cho cùng chính là những nỗ lực đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn tới những chuẩn mực hàng đầu của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ ra.
Đẩy nhanh cải cách thể chế
Để có cơ sở đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan rà soát các luật, pháp lệnh, nghị định hiện hành và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Kết quả rà soát cho thấy, tổng số văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành rà soát là 265 văn bản. Tổng số luật được kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 7 luật, gồm: Bộ luật Lao động; Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Sở hữu trí tuệ; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật An toàn thực phẩm. Riêng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2018. Nội dung của dự thảo mới nhất trình Quốc hội để xem xét và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đã đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP. Nếu Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, tổng số luật phải bổ sung, sửa đổi sẽ giảm còn 6 luật.
Kết quả rà soát còn cho thấy, không có văn bản đề nghị bãi bỏ; 15 cam kết, nhóm cam kết được đề xuất áp dụng trực tiếp; 3 điều ước, hiệp ước quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được kiến nghị gia nhập.
Theo thuyết minh của Chính phủ, không phải tất cả các cam kết trong Hiệp định CPTPP đều dẫn tới việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật. Đối với các thư trao đổi song phương, biên bản ghi nhớ mà Việt Nam ký với 10 nước thành viên Hiệp định CPTPP, do bản chất là dành linh hoạt hoặc thời gian dài hơn cho Việt Nam trong việc thực thi một số cam kết của Hiệp định, hoặc dành thuận lợi hơn cho Việt Nam trong một số vấn đề, nên về cơ bản, các thư trao đổi song phương và biên bản ghi nhớ này không trái với các quy định, pháp luật hiện hành của Việt Nam và không làm phát sinh việc phải sửa đổi, bổ sung pháp luật.
Để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động… Sức ép thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của Hiệp định là có, nhưng không lớn và sẽ vượt qua được. Bởi những cam kết khó nhất, đòi hỏi nguồn lực thực thi lớn (như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ), đã được 11 nước "tạm hoãn". Nhiều cam kết tuy mới, nhưng lại phù hợp hoàn toàn với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước Việt Nam, như trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Kinh nghiệm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã chỉ ra, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao, Việt Nam có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi được quyền thực hiện theo lộ trình.
Như vậy, mặc dù số lượng văn bản quy phạm pháp luật được rà soát là rất lớn, nhưng số lượng văn bản luật phải sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới và một số văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cũng đã được dự kiến trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các năm 2018, 2019 và Kế hoạch của Chính phủ về tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp 2013.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Nhận thức rõ tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của Hiệp định CPTPP, sau khi các nước đã thống nhất được toàn bộ nội dung đàm phán và hoàn tất quá trình rà soát pháp lý, Bộ Công Thương đã kịp thời công bố toàn văn Hiệp định CPTPP (tiếng Anh và tiếng Việt) lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương để tạo điều kiện cho công chúng và cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nội dung của Hiệp định này.
Tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục tiến hành tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới đông đảo người dân và doanh nghiệp. Thêm vào đó, Chính phủ tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, Chính phủ cam kết tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.
Để bảo đảm thực thi Hiệp định CPTPP có hiệu quả, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đề nghị, Chính phủ cần xây dựng và triển khai chương trình hành động, ít nhất đáp ứng ba yêu cầu cơ bản. Một là phải bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật cần thiết không chỉ để tuân thủ các cam kết trong Hiệp định, mà còn để ứng phó với các thách thức và tận dụng được các cơ hội mở ra. Hai là phải dự kiến được các phương án cụ thể để thực thi Hiệp định một cách vừa nghiêm túc vừa có lợi nhất, không chỉ cần tuân thủ mà còn phải biết chủ động vận dụng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia, dân tộc. Ba là, Chương trình hành động thực thi Hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với Hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hiện nay, toàn bộ văn kiện tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của Hiệp định CPTPP đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương. Đây là kênh thông tin hữu ích cho tất cả các đối tượng quan tâm đến Hiệp định CPTPP.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Hiệp định CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Những nỗ lực chung của Chính phủ và các bộ, ngành, chắc chắn sẽ tạo tiền đề để người dân và doanh nghiệp thụ hưởng thành quả từ Hiệp định CPTPP, cũng như có biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực.
Tham gia Hiệp định CPTPP là minh chứng cho việc Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương và chiến lược của Đảng, cũng như chính sách của Nhà nước trong hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực và sâu rộng. Trong thời gian vừa qua, với những bài học kinh nghiệm quý báu và những thành quả đạt được trong việc mở cửa nền kinh tế, Việt Nam có cơ sở, niềm tin trong chiến lược hội nhập sắp tới. Vì vậy, Hiệp định CPTPP có thể nói là biểu hiện ở mức độ mới, trình độ mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.