Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp, các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng, đây là một quyết định chính trị quan trọng, chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó của đất nước trước tác động của kinh tế thế giới...
Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN
Các đại biểu cho rằng, tham gia CPTPP giúp Việt Nam thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, CPTPP rất toàn diện vì hiệp định này không chỉ thuần túy về mặt thương mại, không chỉ bàn về thuế quan mà đề cập đến cả đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, thị trường dịch vụ...
Theo đại biểu, CPTPP tiến bộ ở chỗ không phân biệt khoảng cách giàu, nghèo giữa các quốc gia thành viên, đồng thời quan tâm rất nhiều đến doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều đó thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Đại biểu TP Hồ Chí Minh cho rằng, tham gia CPTPP Việt Nam có rất nhiều cơ hội vì thị trường này rất lớn với trên 500 triệu dân. Tuy nhiên, đây là thị trường khó tính vì thu nhập bình quân đầu người là trên 30.000 USD, vì thế, Việt Nam khi xuất khẩu phải quan tâm tới chất lượng sản phẩm và các yêu cầu kỹ thuật thì thị trường này- đại biểu lưu ý.
Tán thành phê chuẩn CPTPP, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định, Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nước ta với nhiều đối tác chiến lược là thành viên CPTPP, tạo thế tốt hơn cho đất nước trong quan hệ kinh tế quốc tế và cân bằng quan hệ với các nước lớn. Bên cạnh đó, Hiệp định cũng tạo ra yếu tố tinh thần và thể chế, song còn rất nhiều điều cần thực hiện, cần đánh giá, trong đó có các quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội khẳng định, tham gia CPTPP cũng đồng thời đặt ra những thách thức mà Việt Nam cần nỗ lực vượt qua. Chắc chắn, việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao cảnh giác để có thể phát hiện, ngăn chặn những phần tử xấu lợi dụng để chống đối.
Quan trọng hơn, Việt Nam cần tiếp tục hoàn chỉnh các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý mới để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội trong nước. Đó là những thách thức hoàn không giản đơn.
Nhiều đại biểu cho rằng, những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ triển khai thời gian qua đã tạo ra động lực lớn để các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ và quyết liệt, tạo môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những nỗ lực này mới chỉ là bước đầu.
Tổ chức Công đoàn sẽ đổi mới mạnh mẽ
Phân tích những tác động của CPTPP đến hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam, đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai)- Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, những điều nêu trong Hiệp định CPTPP cũng chính là nội dung đã nêu trong Công ước 87 và Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà tổ chức Việt Nam đã là thành viên.
Cho rằng đây là cơ hội để tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới thực chất, vì người lao động, nhưng cũng là thách thức lớn, ông Bùi Văn Cường cho rằng công đoàn Việt Nam cần đưa ra các quy định thế nào, quản lý làm sao cho hợp lý, hiệu quả.
Đại biểu Bùi Văn Cường thông tin, tương lai sẽ có ít nhất 3 tổ chức đại diện cho người lao động. Thứ nhất là tổ chức do người lao động tự nguyện thành lập. Theo hình thức này rất tốt, không có vấn đề gì lớn. Thứ hai là tổ chức do chủ sử dụng lao động lập ra để thao túng, chi phối.
Tổ chức thứ ba, đó là tổ chức mang danh nghĩa đại diện của người lao động nhưng không loại trừ do một số phần tử khác biệt về chính trị thành lập, núp bóng, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Theo đại biểu, khi CPTPP được phê chuẩn, chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo cẩn trọng, có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát, hạn chế được những vấn đề phức tạp có thể xảy ra.
Về phía Công đoàn Việt Nam, đại biểu cho biết hiện tổ chức này đang thực hiện đề án đổi mới tổ chức, hoạt động; tập trung đổi mới theo hướng lấy lợi ích của đoàn viên, người lao động làm điểm tập hợp; quan tâm lợi ích của đoàn viên, người lao động; tập trung thực hiện xây dựng các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất mà chỉ đoàn viên công đoàn mới được thụ hưởng.
Bên cạnh đó, theo các đại biểu Quốc hội, khi tham gia CPTPP, sẽ tạo ra sức ép rất lớn về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế của đất nước. Các điều khoản trong CPTPP đòi hỏi thực hiện nhiều cải cách trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong quan điểm, cũng như vấn đề pháp lý, hành chính.
Chính những đòi hỏi này tạo động lực phát triển, cả kinh tế và xã hội. Thực tế, các tiêu chuẩn cao liên quan vấn đề thể chế sẽ giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, khuôn khổ pháp luật, tính cạnh tranh, môi trường đầu tư, kinh doanh...