Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết cảm xúc của mình sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP với tỷ lệ rất cao?
Tôi rất mừng vì quá trình đàm phán đi được những bước rất dài với nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Bộ Chính trị và Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các Bộ ngành cũng như các tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta. Đàm phán của chúng ta trải qua quá trình rất dài, nhiều khó khăn, cả những bất trắc mà các đối tác trong CPTPP cũng không lường trước được.
Chúng ta đã nỗ lực rất lớn, thể hiện quan điểm nhất quán: Kiên quyết đổi mới và mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới, trọng tâm là về kinh tế và thương mại. Khi đã hoàn tất các quá trình đàm phán và ký kết, phần còn lại là Quốc hội phê chuẩn, đây là thủ tục pháp lý quan trọng để các quốc gia có thể thông qua và Hiệp định có hiệu lực.
Sự đồng thuận ngày hôm nay phản ánh nhận thức, hiểu biết sâu sắc của các đại biểu Quốc hội; phản ánh nguyện vọng và ý chí của cử tri và nhân dân đối với sự kiện rất quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của Việt Nam trong quá trình hội nhập hiệu quả với thế giới.
Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại nhưng đây là cơ hội để chúng ta biến các tình huống chung trên thế giới thành cơ hội cho chúng ta, biến nó thành động lực cho phát triển. Sự đồng thuận của đại biểu Quốc hội và cử tri là nền tảng rất quan trọng mà chúng ta hay nói là "hợp ý Đảng lòng dân" để đất nước ta có thế đứng và vị thế mới trong hội nhập sâu rộng với thế giới.
Tỷ lệ tuyệt đối các đại biểu Quốc hội có mặt ngày hôm nay đã phê chuẩn CPTPP cho thấy cả các cơ quan hành pháp của Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội và Quốc hội đã có kỳ làm vệc rất hiệu quả với tinh thần xây dựng, cầu thị và cởi mở. Tại các cuộc thảo luận ở tổ, hội trường hay các cuộc thảo luận chuyên đề của các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội, quan điểm của chúng ta đã được đưa ra mổ xẻ, trao đổi kỹ.
Đặc biệt trong quá trình thảo luận tổ, chúng ta đã làm rõ bằng các dữ liệu, số liệu phân tích cụ thể, qua đó có thể thấy phương pháp làm việc của Chính phủ và các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội đã đạt được hiệu quả với tinh thần công khai, minh bạch để đại biểu Quốc hội có thể đồng thuận cao như vậy.
Báo cáo giải trình mà Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày cũng như Báo cáo tiếp thu của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã ghi nhận và tiếp thu các ý kiến xác đáng của cử tri, thể hiện qua tiếng nói của đại biểu Quốc hội, nhất là những vấn đề liên quan đến sự chủ động của Chính phủ trong tổ chức hướng dẫn triển khai chương trình hành động sau này, cũng như phối hợp với các quốc gia đối tác trong CPTPP đảm bảo đưa Hiệp định vào vận hành kịp thời và hiệu quả.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa Hiệp định sẽ có hiệu lực, Bộ Công Thương sẽ triển khai những công việc gì tiếp theo, thưa ông?
Đầu tiên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao làm thủ tục pháp lý thông báo với nước lưu chiểu là New Zealand để khẳng định việc phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam, nghĩa là thủ tục pháp lý của Việt Nam đã hoàn tất để cùng với các nước khác đưa Hiệp định vào hiệu lực.
Thứ hai, công việc rất cần triển khai sớm là chủ trì xây dựng chương trình hành động của Chính phủ. Đây là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và then chốt vì Hiệp định còn rất ít thời gian sẽ có hiệu lực. Đây là hiệp định rất toàn diện, tác động mạnh đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước ta ngay trong năm 2019 tới. Vì vậy việc tổ chức xây dựng chương trình hành động tổng thể cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có ý nghĩa then chốt để các chủ thể có điều kiện triển khai hành động, khai thác các thời cơ, vượt qua thách thức.
Trong quá trình triển khai thực hiện, phải đặc biệt rút kinh nghiệm từ việc ký kết và thực hiện các hiệp định trước cũng như việc gia nhập WTO. Các bài học kinh nghiệm vẫn còn nóng hổi ở cả góc độ vĩ mô và các câu chuyện rất cụ thể.
Một số vấn đề cần phải có cách tiếp cận toàn diện và tổng thể hơn, chẳng hạn như quan điểm tiếp cận với khu vực doanh nghiệp phải được coi là then chốt vì đây là yếu tố đảm bảo sự thành bại của nền kinh tế. Trong chương trình hành động, vai trò của nhà nước, chính quyền các cấp, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp phải làm rõ ràng.
Đặc biệt cần tránh tâm lý cộng đồng doanh nghiệp thụ động, thiếu sự tiếp cận chủ động mà đợi chờ cơ chế hỗ trợ. Tất nhiên chúng ta không phủ nhận tác động của Hiệp định có thể gây thiệt hại cho một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp... nhưng chúng ta phải xác định rõ tinh thần kinh tế thị trường với sự chủ động của doanh nghiệp. Đây là bài học đặt ra. Vai trò của Hiệp hội là rất quan trọng, nhà nước không thể vươn bàn tay mình để hỗ trợ từng doanh nghiệp mà phải thông qua bàn tay nối dài là các Hiệp hội ngành hàng.
Bài học kinh nghiệm nữa là chính quyền địa phương phải chủ động hơn nữa trong tổ chức triển khai các khung khổ pháp luật, nhất là các khung khổ pháp luật có tính chất bao trùm như CPTPP lần này.
Chương trình hành động sẽ nội luật hóa để thực thi các cam kết của chúng ta. Chúng ta đã có quá trình rà soát tất cả các quy định của pháp luật liên quan đến kinh tế, xã hội. Sửa đổi luật pháp là để tạo ra các khung khổ pháp lý tốt hơn, phục vụ cho doanh nghiệp và người dân. Chính việc nội luật hóa sớm cũng sẽ thúc đẩy cải cách của chúng ta, tạo động lực cho tăng trưởng, giúp doanh nghiệp cọ xát với thực tiễn cạnh tranh.
Thứ ba, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các quốc gia khác trong CPTPP để triển khai tiếp khung khổ hợp tác. Chúng ta còn những cơ chế giám sát thực thi Hiệp định, phải khẩn trương phối hợp với các quốc gia để thực hiện.
Bản thân Bộ trưởng có tự tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động hội nhập và đón nhận thành công từ CPTPP?
Chúng ta tự tin khẳng định đã xây dựng chiến lược về hội nhập, trong đó có những quan điểm và sáng kiến rất cụ thể trong việc đàm phán, ký kết CPTPP, chưa kể hàng loạt Hiệp định khác...
Chủ động ở đây không phải chỉ là đưa ra ý tưởng để triển khai mà phải nghiên cứu, đánh giá để đưa ra chiến lược mang tính khoa học. Sự chủ động còn thể hiện ở chỗ chúng ta biết tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm từ quá trình hội nhập trước để hoàn thiện chiến lược hội nhập, triển khai thực chất, bền vững và hướng tới hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.