Giá lợn tăng 'chóng mặt' và chưa có dấu hiệu dừng lại

Giá lợn hơi nhích lên từ đầu tháng 4 nhưng trong tháng 5 bất ngờ tăng liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá thịt lợn hơi tại nhiều địa phương đã tăng trên mức 40.000 đồng/kg, có những nơi đạt gần 50.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi trong nước biến động giảm trong quý I/2018 nhưng đã tăng trở lại trong tháng 4 và tháng 5/2018. So với cuối năm 2017, giá lợn hơi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng 16.000 đồng/kg lên 43.000 – 46.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc cũng tăng 11.000 – 12.000 đồng/kg lên 43.000–47.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tăng 12.000 –16.000 đồng/kg lên 42.000 – 45.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tăng do nguồn cung giảm so với trước.

Giá lợn tăng “chóng mặt” và chưa có dấu hiệu dừng lại . Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hơi nhích lên từ đầu tháng 4 nhưng trong tháng 5 bất ngờ tăng liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại, giá thịt lợn hơi tại nhiều địa phương đã tăng trên mức 40.000 đồng/kg, có những nơi đạt gần 50.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn năm 2017 đã khiến nhiều người chăn nuôi lỗ thê thảm, phải phá đàn nái, giảm mạnh đàn lợn. Do vậy, hiện nay đàn lợn đang khủng hoảng thiếu từ khoảng 2 tháng nay.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này người chăn nuôi có xu hướng tái đàn, nhưng do lợn thịt sốt giá khiến cho giá lợn giống cũng tăng cao. Do vậy, người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt. Nếu mua con giống với giá cao thì chi phí chăn nuôi lớn, ngoài ra cần theo dõi thêm biến động của thị trường để quyết định việc mở rộng sản xuất cho phù hợp.

Ước tính số lượng lợn hiện tại của cả nước giảm khoảng 5,4% so với cùng thời điểm năm 2017.  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, giá thịt lợn trong tháng 6/2018 sẽ không tăng nhiều do vào mùa nóng, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm đi. Giá lợn tăng một phần là do nguồn cung giảm trong thời gian qua. Tuy vậy, thị trường xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện, do đó vẫn cần thêm thời gian để tạo sự ổn định của giá thịt lợn.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết thêm, đang lễ Phật đản nên nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ giảm. Tháng 7 là tháng ăn chay nên nhu cầu thịt cũng giảm, các tháng nóng cũng giảm như cầu, hơn nữa học sinh về quê nghỉ hè, nhu cầu cũng giảm….

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, người chăn nuôi sẽ  tái đàn nhưng khó ồ ạt như trước bởi sau đợt khủng hoảng thừa năm 2016 – 2017 thì tâm lý e ngại vẫn còn. Hơn nữa, tăng đàn nái ít nhất phải mất 1 năm mới có sản phẩm. Bên cạnh đó, giá giống đã cao gấp đôi so với 2 tháng trước. Do vậy, người nông dân không dám “liều mình” tăng đàn.
 
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc lợn hơi tăng mạnh thời gian qua có lợi cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, làm sao để duy trì sự ổn định mới quan trọng. Bà con nên tăng cường cho lợn ăn uống đầy đủ để sớm xuất chuồng. Đồng thời, cần tận dụng tối đa lợn sữa sinh ra hiện nay để nuôi lên lợn thương phẩm. Đặc biệt, lưu ý việc tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh nhằm thu được thành quả cao nhất.

H.V/Báo Tin tức
Ngậm ngùi 'được giá, mất mùa' thịt lợn
Ngậm ngùi 'được giá, mất mùa' thịt lợn

Giá lợn hơi tại Hà Tĩnh liên tục tăng và đã chạm mốc 45.000 đồng/kg, mức cao nhất trong hơn nửa năm qua. Với mức giá này, người chăn nuôi đã có lãi nhưng sau một thời gian dài bỏ chuồng, giảm đàn đến nay giá tăng thì lại không có hàng để bán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN