Theo thống kê, đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời điểm này khoảng 400.000 con (giảm 70.000 con so với cùng kỳ năm 2017). Tuy nhiên, số giảm này chủ yếu là đàn lợn trong dân nuôi (giảm từ 60 - 70% so với trước) còn lợn ở các trang trại liên kết với doanh nghiệp lớn chỉ giảm ở mức 20% so với trước.
Nông dân chỉ nuôi cầm chừng nên hiện không có lợn để bán. Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN |
Thời điểm cao nhất, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh có tổng đàn lợn trên 60.000 con, tuy nhiên sau đợt biến động giá cả năm 2017 thì nay đàn lợn giảm xuống còn chưa đến một nửa.
Tại xã Thạch Thanh (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), mấy ngày nay thương lái tìm mua lợn thịt liên tục nhưng người chăn nuôi do đã bỏ trống chuồng trại lâu ngày hoặc chỉ nuôi cầm chừng nên không có lợn để bán.
Bà Nguyễn Thị Mai (xã Thạch Thanh, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tiếc nuối cho biết, năm ngoái gia đình nuôi hơn 70 con lợn thịt nhưng giá bán quá thấp khiến lỗ thê thảm. Từ đó đến nay, chuồng trại vẫn còn bỏ hoang, gia đình chỉ nuôi cầm chừng 5 - 7 con nên không có lợn bán.
"Nghe ngóng thông tin giá lợn tăng lên từng ngày cả tháng nay tôi cũng nóng ruột lắm, sắp tới gia đình tôi sẽ xuống giống lứa lợn mới, hy vọng giá cả sẽ ổn định", bà Nguyễn Thị Mai nói.
Dù nuôi theo hình thức liên kết với Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh nhưng ông Trần Quốc Khánh, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Thạch Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn chịu sự biến động của giá cả thị trường. Ông Khánh bắt đầu nuôi lợn theo hình thức liên kết từ năm 2015 nhưng chỉ năm 2016 là có lãi, còn lại đều thua lỗ. Hiện tại, tổng đàn lợn trong trại khoảng hơn 500 con lợn thịt vừa thả được 40 ngày nên chưa thể xuất bán.
“Tôi xuất bán lứa lợn cuối cùng vào cuối năm ngoái, do giá thị trường bấp bênh nên đến nay mới bắt đầu thả nuôi lứa đầu tiên trong năm. Giá lợn bắt đầu tăng vào giữa tháng 4, tăng được 1 tuần đạt mức 32.000 - 35.000 đồng/kg lại giảm xuống mức giá cũ, rồi tiếp tục tăng đều 2 - 3 giá mỗi ngày, đến nay đạt khoảng 44.000 đồng/kg. Xu hướng chung là giảm đàn nên đợt này giá tăng cao mà nhiều hộ chăn nuôi không có lợn bán. Nếu có lợn bán đợt này thì người chăn nuôi thắng lớn”, ông Khánh chia sẻ.
Giá thịt lợn hơi trên thị trường Hà Tĩnh hiện nay dao đông ở mức 43.000 đồng - 45.000 đồng/kg. Đây là đợt tăng giá kỷ lục kể từ cuối năm 2016 đến nay với mức tăng cao và ổn định trong một thời gian khá dài. Theo tính toán, với giá này, nếu có lợn xuất bán, người nông dân đã có lãi khoảng 1 triệu đồng/con lợn thịt nặng 1 tạ.
Nhận thấy giá cả tăng cao, nhiều hộ nuôi tại Hà Tĩnh đang sửa sang lại chuồng trại để nuôi lứa lợn mới, tuy nhiên, thịt lợn hơi tăng giá kéo theo giá lợn con giống cũng tăng, dao động từ 1 triệu đồng/con.
Để tránh thiệt hại cho người chăn nuôi trong việc tái đàn, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo: Đối với các cơ sở chăn nuôi, người dân nếu có lợn thịt từ 90 kg trở lên thì nên xuất chuồng thu lãi, không nên “găm hàng” chờ tăng giá tránh hiện tượng tăng giá ảo. Thời điểm hiện nay, người chăn nuôi có thể vào giống để sản xuất lứa mới, tuy nhiên, người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt và cần cân đối trong điều kiện kinh tế của hộ gia đình mình bởi giá thịt lợn hơi cao kéo theo giá con giống cao nên người dân sẽ phải chịu chi phí đầu tư ban đầu nhiều hơn.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cũng lưu ý người chăn nuôi chuẩn bị tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Đối với các chuồng trại để trống lâu ngày, cần được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sạch sẽ. Bên cạnh đó, khâu chọn con giống cũng rất quan trọng, nên chọn mua con giống ở những cơ sở uy tín và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, nhất là trong mùa nắng nóng này.