Chi phí sản xuất tăng cao kéo giá điện tăng
Ngày 5/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đã có phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và phương án đã được Chính phủ chấp thuận.
Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước dự kiến sẽ tăng 8,36%, từ 1.720 đồng/kWh hiện nay lên khoảng 1.864 đồng/kWh từ cuối tháng 3 này. Tính từ năm 2010 tới nay đã có 7 đợt tăng giá điện, trong đó lần gần nhất vào cuối năm 2017.
Từ cuối năm 2018, sau khi EVN và Bộ Công Thương tổ chức công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017, nhiều ý kiến đồn đoán giá điện không sớm thì muộn sẽ tăng. Bởi giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN là 1.667,77 đồng/kWh, trong khi giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.660,19 đồng/kWh, nghĩa là EVN phải bán điện dưới giá thành.
EVN báo cáo năm 2017 có lãi hơn 2.792 tỷ đồng, tuy nhiên là nhờ có 10.000 tỷ đồng chi phí bù tỷ giá chưa được tính đầy đủ vào giá thành sản xuất điện, nếu tính đủ EVN sẽ lỗ nặng.
Trong năm 2019, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, chi phí đầu vào cho sản xuất điện, trong đó có than, dầu tăng giá, nguồn khí cấp cho phát điện cũng đã đến giới hạn khai thác... Nếu giá điện không được điều chỉnh sẽ gây khó khăn cho hiệu quả kinh doanh và hoạt động của ngành điện.
Chưa kể, theo dự báo hiện tượng El Nino năm 2019 sẽ gây hạn hán, ảnh hưởng tới việc tích nước và hoạt động của các nhà máy thủy điện, một số nhà máy điện tái tạo không đảm bảo tiến độ, các khoản chênh lệch tỷ giá còn lại chưa phân bổ vào giá thành sản xuất kinh doanh điện… cũng là những áp lực đối với EVN.
Do vậy, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, việc điều chỉnh giá điện là nhằm lành mạnh hóa tài chính của ngành điện. Từ năm 2018, ngành công thương đã tính đến phương án điều chỉnh giá điện nhưng để đảm bảo cân đối kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ chưa điều chỉnh giá bán lẻ điện trong năm 2018.
Về phía EVN, thời gian qua đã rà soát lại cơ cấu các yếu tố đầu vào tác động tới giá thành điện và có báo cáo Chính phủ. Trong cuộc họp cuối tháng 1 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã thống nhất chủ trương với đề nghị tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành.
Phải ổn định kinh tế vĩ mô
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% sẽ có tác động tới tăng trưởng GDP và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tổng cục Thống kê tính toán cho thấy việc tăng giá điện sẽ làm giảm GDP 0,22% và làm CPI tăng thêm 0,29%.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành công thương nêu rõ quan điểm điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm 2019 là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Việc điều chỉnh giá điện tăng 8,36% đã được tính toán để đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã thông qua, trong đó tính đến chỉ tiêu lạm phát không quá 4%.
Theo quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, khi mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng trong khung từ 5 - 10%, Bộ Công thương sẽ quyết định sau khi EVN báo cáo trong thời hạn 15 ngày làm việc.
Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện và sau khi điều chỉnh, EVN sẽ có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 6/3, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho biết: Điện là ngành kinh tế quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Trước mỗi lần tăng giá điện, cơ quan chức năng cần kiểm tra việc tính toán giá thành của doanh nghiệp, xem xét việc tăng có hợp lý hay không và tăng ở mức nào.
Hiện, ngành điện vẫn là ngành kinh tế độc quyền, chưa có tính cạnh tranh. “Muốn biết có tăng hay không phải kiểm soát được chi phí sản xuất. Nếu cần, có thể thuê cơ quan kiểm định độc lập vào định giá”, chuyên gia nêu quan điểm.
TS Ngô Trí Long cũng cho rằng mức tăng 8,36% chỉ là mức tăng bình quân. Thực tế người sử dụng điện sẽ phải chịu chi phí cao hơn do giá điện hiện được tính theo bậc thang. Ông Long đề nghị chia nhỏ các bậc thang hơn nữa để người sử dụng điện không phải chịu thiệt thòi khi sử dụng điện ở những bậc cao.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cũng đề nghị EVN phải nghiên cứu giải pháp tổng thể tiết kiệm điện năng, cần có cơ chế giá riêng cho lĩnh vực công nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu, yêu cầu giảm tiêu hao năng lượng, thay thế thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại. Có như vậy mới đảm bảo công bằng cho các đối tượng sử dụng điện khác nhau, khuyến khích tiết kiệm điện.
Hiện nay có thực trạng nhiều dự án điện mặt trời ồ ạt đầu tư tại khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận trong khi chưa có các dự án truyền tải điện mới để giải tỏa công suất. Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã chỉ đạo EVN đẩy mạnh các dự án truyền tải điện mới để hạn chế tình trạng nghẽn mạch, sử dụng được hết các nguồn điện tái tạo.