Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,27 USD lên 107,59 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3,34 USD, hay 3,3%, và đóng phiên ở mức 105,36 USD/thùng.
Giới giao dịch đang phản ứng với những bài đăng trên truyền thông dẫn bình luận mới đây của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nền kinh tế lớn nhất EU này có thể xoay xở với một lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của EU và Đức hi vọng có thể tìm cách thay thế dầu của Nga bằng các nguồn cung khác.
Đức phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu từ Nga và đã phản đối một lệnh cấm hoàn toàn của EU. Trước khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, dầu của Nga chiếm khoảng 1/3 nguồn cung của Đức, nhưng một tháng trước, ông Habeck cho biết nước này đã giảm sự phụ thuộc vào dầu của Nga xuống còn 25% năng lượng nhập khẩu.
Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria và đang cố gắng gây sức ép để EU áp dụng một hệ thống thanh toán mới cho khí đốt đồi hỏi phải mở các tài khoản tại ngân hàng Gazprombank, nơi các khoản thanh toán bằng đồng euro và USD sẽ được chuyển sang đồng ruble.
Theo một văn bản của Bộ Kinh tế Nga mà hãng tin Reuters có được, sản lượng dầu của Nga có thể giảm 17% trong năm 2022 do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mặc dù vậy, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, được dự đoán sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng nhẹ sản lượng trong cuộc họp ngày 5/5 tới.
Hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên 28/4 là đồng USD, khi đồng tiền này tăng lên mức cao nhất trong 20 năm qua, trước sự suy yếu của các đồng tiền lớn khác như đồng yen và euro.
Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, Bắc Kinh đang tăng cường các biện pháp phòng dịch COVID-19, làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy và chuỗi cung ứng, qua đó làm gia tăng những lo ngại về tăng trưởng kinh tế của nước này.
Nhưng công ty lọc dầu lớn nhất châu Á Sinopec Corp dự đoán nhu cầu các sản phẩm dầu lọc của Trung Quốc sẽ phục hồi trong quý II khi tình hình dịch COVID-19 dần được kiểm soát.