Theo Ban tổ chức, hội thi năm nay quy tụ 14 sản phẩm gạo ở hai chủng loại gạo thơm và gạo nếp của nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất lúa gạo hàng đầu tại Việt Nam như: doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam và Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long...
Ông Trần Ngọc Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, sản phẩm dự thi phải là giống được chọn tạo tại Việt Nam, đã được lưu hành hoặc đã được gửi đi khảo nghiệm quốc gia tối thiểu một vụ. Bên cạnh đó, sản phẩm dự thi phải có đồ thuần tối thiểu 98%, không có hạt vàng, hạt hư, xanh non hay sọc đỏ.
Để mang gạo tham dự cuộc thi tìm kiếm gạo ngon nhất Việt Nam năm 2020, đơn vị tham gia phải có 1 trong 4 yêu cầu sau: quyết định công nhận lưu hành giống lúa; giấy xác nhận khảo nghiệm giống tối thiểu 1 vụ; giấy cam kết là tác giả giống lúa dự thi; giấy ủy quyền của cơ quan tác giả hoặc tác giả của giống lúa dự thi.
Ban Giám khảo sẽ chấm điểm theo 3 phần gồm mẫu gạo trước khi nấu, sau khi nấu và bài thuyết minh đặc tính của gạo. Cụ thể, các tiêu chí chấm điểm là màu sắc, độ đồng đều của gạo trước khi nấu; độ trắng của cơm, mùi thơm, độ dẻo, độ ngọt, độ thuần và độ nguyên hạt sau khi nấu; thuyết minh giống gạo để chọn ra sản phẩm gạo có điểm số cao nhất.
Ông Nguyễn Thường Xuân, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo nhận định: cuộc thi chọn gạo ngon Việt Nam năm nay được tổ chức công phu, chỉn chu hơn so với năm trước, thu hút các doanh nghiệp đầu ngành trong chọn tạo giống lúa tham gia dự thi.
Năm nay, Hội Đầu bếp Việt Nam năm nay cử 4 đầu bếp đến tham gia chấm điểm tại cuộc thi. Qua 3 vòng chấm điểm, đã có sự khác biệt giữa các sản phẩm gạo thơm dự thi, trong khi đó, điểm số 3 mẫu gạo nếp dự thi có sự đồng đều hơn.
Kết quả ở hạng mục gạo thơm, gạo ST25 của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí được Ban Giám khảo chọn để trao giải nhất, gạo Thiên Vương của Tập đoàn Lộc Trời đạt giải nhì, giống OM 8 của Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long và Đài thơm 8 của Công ty Lúa gạo Việt Nam đồng giải ba.
Ở hạng mục gạo nếp, giống OM 406 của Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long đạt giải nhất, giống Hương Tiên của Tập đoàn Lộc Trời đạt giải nhì và giống OM441 Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long giành giải ba.
Với kết quả này, ST25 tiếp tục giữ vững danh hiệu gạo ngon nhất Việt Nam và sẽ đại diện gạo Việt Nam tham gia cuộc thi gạo ngon thế giới được tổ chức tai Hoa Kỳ vào giữa tháng 11/2020.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, cuộc thi gạo ngon Việt Nam không chỉ để trao danh hiệu và cử đại diện gạo Việt Nam đi thi gạo ngon thế giới mà còn là hoạt động quảng bá các giống gạo thơm, chất lượng cao của Việt Nam đến thị trường trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, việc phát triển các giống gạo thơm đã giúp cơ cấu lại tỷ trọng xuất khẩu gạo của Việt Nam theo hướng giảm các chủng loại gạo chất lượng trung bình, tăng tỷ trọng xuất khẩu gạo thơm, chất lượng cao, nhờ đó gia tăng giá trị kinh tế và thương hiệu cho gạo Việt trên thị trường thế giới.