'Gạo sạch Triệu Phong' - Hướng đi mới cho người dân vùng khó

“Gạo sạch Triệu Phong” là sản phẩm của phương thức sản xuất, canh tác lúa trên đồng ruộng không sử dụng bất kỳ loại thuốc hay phân bón hóa học nào.

Với phương thức canh tác này, đồng ruộng của người dân không những phục hồi được hệ sinh thái mà còn đảm bảo được sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ, hứa hẹn mở ra một hướng đi mới cho người dân vùng khó của tỉnh Quảng Trị.

Ý tưởng sản xuất và xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong” được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision - tổ chức phi Chính phủ chuyên triển khai các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ phát triển) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ triển khai tại 5 xã: Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn, Triệu Thượng của huyện Triệu Phong vào tháng 5/2015.

Dự án triển khai thí điểm tại 20 hộ với diện tích 2 ha lúa. Khác với các phương pháp canh tác thông thường, các hộ nông dân tham gia chương trình sẽ phải thực hiện các quy trình sản xuất nghiêm ngặt.

Điều quan trọng nhất chính là nguyên tắc “3 không”: không được sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà thay vào đó là các chế phẩm thảo mộc do tự tay họ làm ra.

Ông Nguyễn Văn Đống, thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong chia sẻ: Quá trình làm được sự hướng dẫn của cán bộ kĩ thuật dự án cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương nên bà con vừa làm, vừa học, vừa thực nghiệm thấy rất bổ ích.

Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên thấy phương pháp này mất nhiều công sức, thời gian. Tuy nhiên, sau khi quen tay và biết sắp xếp thời gian nông nhàn, mọi việc đối với bà con suôn sẻ hẳn.

Đặc biệt, người dân cũng yên tâm hơn khi không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Đến nay, ông Đống thấy cách làm này góp phần cải thiện môi trường hiệu quả cũng như tạo sản phẩm lúa gạo siêu sạch không ảnh hưởng sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Để đảm bảo kỹ thuật, các chuyên gia của Tổ chức tầm nhìn thế giới tại Hàn Quốc đã về tận xã để truyền đạt cho nông dân kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, đồng thời hướng dẫn người dân thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng các loại thuốc thảo mộc tự nhiên tự làm từ những phụ phẩm nông nghiệp hàng ngày như: gừng, tỏi, ớt lên men được dùng để trừ sâu bọ.

Thân cây chuối, cây khoai lên men trở thành phân bón hữu cơ; các chế phẩm dinh dưỡng được tạo ra từ trái cây, cá tạp, xương động vật, vỏ trứng được tạo thành đạm để bón cho cây lúa…

So với phương thức cũ, việc sản xuất “Gạo sạch Triệu Phong” cần sự chú tâm, kỹ lưỡng hơn. Người nông dân phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Bên cạnh đó, hàng tuần, họ đều mất thời gian để làm phân bón, chế phẩm dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa.

Đến nay, trải qua những khó khăn ban đầu, người nông dân nơi đây đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc trong quá trình sản xuất cũng như thành thạo các công đoạn triển khai sản xuất lúa sạch.

Hơn hết, niềm vui lớn nhất đối với người dân Triệu Phong chính là lượng gạo sạch sau khi thu hoạch luôn “cháy” hàng bởi nhu cầu của thị trường rất lớn. 


Qua quá trình sản xuất, so sánh sản lượng với lúa canh tác thông thường, hiện sản lượng của lúa canh tác tự nhiên chỉ thấp hơn khoảng 10% nhưng giá thành lại đạt gấp đôi khiến người dân yên tâm vui mừng tham gia sản xuất.

Nếu 1ha lúa canh tác thông thường đạt 5 tấn/ha, thì lúa sạch tự nhiên đạt 4,5 tấn/ha. Trong vụ Đông Xuân 2017, đã có 150 hộ gia đình với 8 nhóm sản xuất tham gia canh tác trên 12 ha lúa. Dự kiến trong vụ Hè Thu sắp tới, huyện Triệu Phong sẽ mở rộng diện tích lên 25 ha với 250 hộ tham gia sản xuất.

Ông Đào Văn Đức, Quản lý Dự án Tầm nhìn thế giới tại huyện Triệu Phong chia sẻ, t rong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục mở rộng với những nhóm hộ mới một cách chắc chắn để đảm bảo chất lượng gạo sạch như tên thương hiệu vốn có.

Đồng thời, thành lập các tổ hợp tác sản xuất để hướng đến mục tiêu cuối năm có thể thành lập được hợp tác xã. Hiện nay, những người làm dự án đang tích cực phối hợp với huyện và các ngành chức năng có liên quan để hỗ trợ về thị trường cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo sạch của Triệu Phong đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, hiện tại một số doanh nghiệp thu mua gạo tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã hợp đồng thu mua với các nhóm hộ sản xuất để thu mua gạo sạch này…

Nhờ có sự kết nối của dự án và các ngành chức năng, việc bán “Gạo sạch Triệu Phong” cũng trở nên thuận lợi hơn. Gạo trước khi tiêu thụ sẽ được các ngành chức năng kiểm tra chất lượng, đảm bảo không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất độc hại.

Từ đó, tạo niềm tin với các doanh nghiệp thu mua, hiện tại đã có nhiều đơn vị trong nước kí kết hợp đồng bao tiêu lâu dài. Đặc biệt, vào tháng 4/2017 vừa qua, trong Hội chợ Thương mại và Quảng bá du lịch của tỉnh Quảng Trị, mặt hàng “Gạo sạch Triệu Phong” được bày bán đã thu hút sự quan tâm của người dân cũng như các doanh nghiệp.

Trước hiệu quả mô hình mang lại, một số hộ dân địa phương không thuộc nhóm sản xuất gạo sạch theo phương pháp canh tác tự nhiên cũng đang tích cực học hỏi kinh nghiệm để bắt tay trồng những cây lúa “ba không”.

Phương thức sản xuất “Gạo sạch Triệu Phong” là một cách làm hay trong việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người. Mặt khác, hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn hứa hẹn mở ra một hướng đi mới cho người dân vùng khó Quảng Trị.

Ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, trong vụ Hè Thu sắp tới, huyện đang tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích lúa canh tác tự nhiên này với diện tích từ 25-30 ha.

Vấn đề quan tâm nhất hiện nay của huyện chính là việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cũng như đưa sản phẩm gạo sạch của huyện Triệu Phong ra với thị trường trong tỉnh, trong nước thậm chí thế giới.

Trong thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tập trung xây dựng thương hiệu và có chứng chỉ địa lý để triển khai. Mặt khác, ưu tiên hỗ trợ, người dân mở rộng diện tích cũng như học tập và áp dụng phương thức sản xuất trên…

Trần Tĩnh-Thanh Thủy (TTXVN)
Tăng thu nhập nhờ xây dựng thương hiệu gạo sạch
Tăng thu nhập nhờ xây dựng thương hiệu gạo sạch

Kết thúc năm 2016, gạo hữu cơ của HTX nông nghiệp Đồng Phú đã đạt 4,5 tấn/ha/vụ cho thu nhập từ 160 triệu đồng - 180 triệu đồng/ha/năm, cao hơn sản xuất lúa thương phẩm từ 80 triệu đồng-100 triệu đồng/ha/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN