Trong tổng chiều dài đê biển bị sạt lở có hơn 34km bị sạt lở nặng, ảnh
hưởng trực tiếp đến cuộc sống khoảng 250 hộ dân ở 4 huyện là Kiên
Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tình
trạng sạt lở đê biển diễn ra từ nhiều năm qua và ngày càng diễn biến
phức tạp nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu do nguồn vốn đầu tư
khắc phục khá lớn, vượt khả năng của tỉnh.
Diện tích bãi bồi ven biển bị
sạt lở trong 10 năm qua khoảng 1.000ha, với chiều rộng sạt lở từ 60 -
300m. Nguyên nhân sạt lở do sóng biển xâm thực, mất rừng phòng hộ ven
biển, đai rừng ven biển bị xói lở mạnh, nhất là vào giai đoạn cao điểm
của mùa mưa bão hằng năm.
Trước tình trạng đê biển bị sạt lở
nghiêm trọng, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên
cứu, đề xuất giải pháp xử lý hiệu quả phù hợp với thực tế, nhất là
những đoạn xói lở nặng. Đồng thời, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ
Biotype để giảm sóng mạnh đập vào bờ; áp dụng mô hình sử dụng hàng rào
tràm 2 lớp công nghệ của GIZ nghiên cứu thực hiện thành công ở khu vực
ấp Vàm Rầy (Hòn Đất), sau đó trồng cây rừng ngập mặn ở phía trong, tạo
thành một bãi mềm lấn biển.
Hàng rào tràm chắn sóng, bên ngoài trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển ở Vàm Rầy. Ảnh: Lê Sen/TTXVN |
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung bảo
vệ cây rừng ngập mặn hiện có kết hợp trồng mới thêm cây mắm, bần, đước…
ở những nơi có điều kiện, đảm bảo cây sống tốt, nhằm tăng khả năng
phòng hộ của đai rừng ven biển.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Tâm
cũng cho hay, tỉnh Kiên Giang tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành chức
năng Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đê biển An Biên - An
Minh; dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên
Giang giai đoạn 2015 - 2020; dự án gây bồi, tạo bãi trồng cây ngập mặn
bảo vệ đê biển xã Nam Thái (An Biên) và đoạn Bình Sơn - Bình Giang
(Hòn Đất)…