G20 cảnh báo những nguy cơ đe dọa kinh tế toàn cầu

Ngày 7/10, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ cảnh báo kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với tình trạng bất ổn và các nguy cơ ngày càng gia tăng có thể để lại những hậu quả đáng kể.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: AFP

Phát biểu họp báo sau cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra bên lề hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington (Mỹ), Bộ trưởng Lâu Kế Vĩ - Chủ tịch luân phiên nhóm tài chính G20, nêu rõ những bất ổn và nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính thế giới bao gồm các cuộc bầu cử tại các nền kinh tế hàng đầu, sự kiện cử tri Anh lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit, khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất cơ bản, cũng như các nguy cơ địa chính trị và các cuộc tấn công khủng bố gia tăng.

Ông khẳng định các nền kinh tế G20 sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ sự phát triển, tăng cường phối hợp chính sách và thực hiện các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc, hồi tháng trước.

Chủ tịch G20 đồng thời cảnh báo các nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu khi các nhà chính trị dân túy đẩy mạnh chủ trương chống toàn cầu hóa và thương mại tự do. Bộ trưởng Lâu Kế Vĩ nhấn mạnh xu hướng chủ nghĩa dân túy phản đối toàn cầu hóa đã khiến các chính khách này thay đổi các khẩu hiệu tranh cử và nỗ lực thu hút sự ủng hộ của cử tri. Theo ông, chủ nghĩa dân túy là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cùng với những cuộc xung đột địa chính trị và hệ thống tài chính mong manh.


Xu hướng nổi lên các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy cũng khiến các nhà lãnh đạo WB và IMF lo ngại. Trước đó một ngày, phát biểu họp báo, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khẳng định tiến trình toàn cầu hóa đã đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia và người dân, trong khi thương mại quốc tế trong những thập kỷ qua đã thúc đẩy tăng trưởng và giúp nhiều quốc gia thoát khỏi tình trạng nghèo đói nghiêm trọng. Trong khi đó, Chủ tịch WB Jim Yong Kim kêu gọi các nước đang phát triển thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và mở cửa thị trường nhằm chấm dứt vấn nạn nghèo khổ cùng cực.

TTXVN/Tin Tức
Giá vàng thế giới thấp nhất bốn tháng
Giá vàng thế giới thấp nhất bốn tháng

Trong phiên giao dịch ngày 6/10, giá vàng thế giới giảm phiên thứ tám liên tiếp và rớt xuống mức thấp nhất trong bốn tháng qua, trong bối cảnh đồng USD lên giá sau các số liệu tích cực về thị trường lao động Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN