Trước cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách của Fed thận trọng khi đưa ra thời điểm bắt đầu hạ lãi suất, nhưng các số liệu gần đây cho thấy sức ép giá cả đang giảm, lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu của Fed. Các số liệu khác về thị trường việc làm, nhà ở và các thị trường đều báo hiệu xu hướng này sẽ tiếp tục.
Số liệu được công bố cuối tuần trước cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân mà Fed ưu tiên theo dõi tăng 2,5% trong tháng 6/2024, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 7,1% vào năm 2022.
Trong bối cảnh sức ép giá cả đang giảm, số liệu trên có thể là cơ sở để quan chức Fed thay đổi quan điểm lạm phát cao, đồng thời củng cố lòng tin rằng lạm phát sẽ đạt mức mục tiêu 2%. Các nhà hoạch định chính sách đã đề cập đến việc bắt đầu hạ lãi suất trước khi lạm phát toàn phần quay về mức mục tiêu.
Theo cựu Chủ tịch Fed tại St. Louis, Jim Bullard, lạm phát chỉ còn cách mục tiêu của Fed 50 điểm cơ bản. Mức hiện nay vẫn cao nhưng đã giảm so với trước. Nếu Fed thay đổi trong cách đánh giá về lạm phát, thì đây sẽ là tín hiệu đáng chú ý đối với các thị trường về sự ghi nhận của Fed rằng lạm phát đang giảm.
Fed đã nâng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế sau khi lạm phát tăng mạnh và duy trì ở mức 5,25 - 5,5% kể từ tháng 7/2023, khiến đợt thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay là dài nhất trong những thập kỷ gần đây.
Mặc dù có những cảnh báo trong năm ngoái rằng các điều kiện tài chính thắt chặt có thể gây suy thoái kinh tế, nhưng Fed ít nhất đã đạt được những kết quả như mong muốn.
Một số số liệu như doanh số bán nhà gần đây gây thất vọng và tình trạng nợ quá hạn gia tăng cho thấy những mặt yếu kém của nền kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo gần đây nhất về GDP gây bất ngờ khi cho thấy mức tăng trưởng 2,8% trong quý II/2024. Fed muốn tăng trưởng tiềm năng phù hợp với sự ổn định của lạm phát ở mức khoảng 1,8%.