FDI vào Trung Quốc giảm mạnh

Ngày 20/1, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo trong tháng 12/2015, Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc Đại lục đã giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là lần đầu tiên FDI vào Trung Quốc giảm trong nhiều tháng qua.

Theo số liệu thống kê, FDI tháng 12/2015 đạt 77,02 tỷ nhân dân tệ (tương đương 12,23 tỷ USD). Trong khi đó, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) theo hình thức phi tài chính của Trung Quốc cùng thời điểm lại tăng 6,1% so với năm trước, đạt 13,89 tỷ USD.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Là động lực lớn của tăng trưởng kinh tế toàn cầu những năm gần đây, nhưng kinh tế Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn giảm tốc kéo dài, do xuất khẩu yếu, tình trạng dư thừa công suất, thị trường bất động sản trầm lắng, nợ cao, đầu tư chậm lại và chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này năm 2015 đạt 6,9%, mức thấp nhất trong 25 năm qua.

Trước những tín hiệu kém khả quan của nền kinh tế lớn thứ hai thế giớ, các công ty Mỹ ở Trung Quốc đã thu hẹp quy mô sản xuất hoặc có kế hoạch chuyển sang nước khác.

Báo cáo mới công bố ngày 20/1 của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến 25% số các công ty Mỹ tại Trung Quốc chuyển hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất sang nước khác trong 3 năm qua là do chi phí nhân công tăng.

Một lý do khác mà 10% số doanh nghiệp này đưa ra là các vấn đề liên quan đến luật pháp. Bên cạnh đó, 77% doanh nghiệp cho rằng các công ty nước ngoài không còn được chào đón như trước đây. Theo cơ quan này, 49% các doanh nghiệp trên chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia đang phát triển khác tại châu Á.

Trong khi đó, 38% doanh nghiệp quyết định rút về Bắc Mỹ để giảm chi phí nhờ tận dụng sự bùng nổ về nguồn cung năng lượng cũng như mức lương ổn định.

Bản khảo sát hàng năm thứ 18 của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cũng cho thấy 45% trong số 496 doanh nghiệp Mỹ được hỏi thông báo mức doanh thu không thay đổi hoặc giảm trong năm ngoái. 64% cho biết các chi nhánh ở Trung Quốc của họ có lãi, đây là con số thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Ngoài ra, 40% các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc dự báo nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 6,25% hoặc thấp hơn trong năm 2016, trong khi số doanh nghiệp tin rằng tốc độ tăng trưởng trong khoảng 6,25% và 6,75% là 35%.

Trung Quốc, GCC cam kết đạt FTA toàn diện trong 2016

Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày 19/1 ra thông cáo báo chí chung cho biết hai bên đã cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do (FTA) toàn diện trong năm 2016.

Tổng thư ký Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) Abdul Latif Bin Rashid Al Zayani (phải) trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thăm Saudi Arabia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thông cáo trên, Bộ Thương mại Trung Quốc và Văn phòng GCC xác nhận hai bên đã nối lại cuộc đàm phán về FTA ngày 17/1 vừa qua và " về mặt nguyên tắc đã hoàn tất đàm phán về giao thương hàng hóa" vào ngày 19/1. Hai bên quyết định đẩy nhanh tiến trình đàm phán và sẽ tiến hành vòng đàm phán tiếp theo vào nửa sau của tháng 2.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có mặt ở thủ đô Riyadh trong chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Saudi Arabia trong 7 năm qua.

Tại hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, hai nhà lãnh đạo đã hoan nghênh việc nối lại đàm phán FTA và bày tỏ vui mừng khi chứng kiến những tiến triển đáng kể được tạo ra.

Trung Quốc và GCC (gồm các nước Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) bắt đầu đàm phán FTA từ tháng 7/2004 song quá trình này bị ngưng trệ từ năm 2009.

TTXVN/Tin Tức
Chủ tịch Trung Quốc thăm Saudi Arabia
Chủ tịch Trung Quốc thăm Saudi Arabia

Ngày 19/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Saudi Arabia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN