Sách trắng nhấn mạnh nhiều vào các khuyến nghị liên quan ngành và lĩnh vực cụ thể nhằm tăng khả năng cạnh tranh, cởi mở và khả năng thu hút doanh nghiệp của Việt Nam.
Theo đó, tập trung vào chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn hậu đại dịch; kinh tế xanh và phát triển bền vững gồm: năng lượng và điện lực, quản lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, vấn đề cấp nước và nước thải, quản lý chất lượng môi trường không khí, khung pháp lý về công trình xanh…, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; thúc đẩy đổi mới và đầu tư gồm: quy định mới về thị thực và giấy phép lao động, điều chỉnh giá chuyển đổi trong khai báo hải quan, thuế tối thiểu toàn cầu…
Trao đổi tại buổi ra mắt, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho hay, việc ra mắt sách trắng và những cuộc đối thoại đi kèm mang lại cơ hội hiểu biết lẫn nhau cũng như mang lại giải pháp để phát triển các lĩnh vực. Dựa trên những điểm chính trong sách trắng, các cơ quan, doanh nghiệp có thể đặt ra các tham vọng phát triển bền vững tại Việt Nam. Chương trình tập trung thảo luận vào nhiều vấn đề trọng tâm của Việt Nam như chăm sóc sức khỏe, kinh tế xanh và phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới và đầu tư.
Chúng tôi sẽ đưa ra các khuyến nghị về quản lý nước chất thải, ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, công trình xanh... Ngoài ra, còn có quy định mới về thị thực, giấy phép lao động để thu hút nhân lực nước ngoài, bởi với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ bao gồm dòng vốn mà còn nguồn nhân lực tốt nhất.
"Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp châu Âu trình bày cho các bên liên quan trong nước những lợi ích và điểm nhấn mà doanh nghiệp và quốc gia Việt Nam nhận được khi hợp tác. Đồng thời, EuroCham cũng sẽ tạo điều kiện, phối hợp với Việt Nam, tạo ra cơ hội cho các bên", ông Alain Cany nói.
Theo ông Thomas Wiersing, đại diện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Hiệp định EVFTA đã mang lại thành công trong xuất nhập khẩu, đầu tư của cả hai bên châu Âu - Việt Nam. Việc xuất bản Sách trắng sẽ giúp tăng cường hợp tác hơn về đầu tư, thu hút vốn vào Việt Nam.
"Để thực hiện hiệu quả hơn EVFTA và sự hợp tác này, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam để tận dụng tối đa lợi thế hiện có mang lại", ông Thomas Wiersing bày tỏ.
Năng lượng xanh và hiệu quả cũng là một trong nhiều nội dung được đưa ra thảo luận tại sự kiện này. Theo thông tin tại Sách trắng, Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng trong đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo, điện gió như một giải pháp thay thế, hỗ trợ quá trình chuyển đổi của đất nước.
Chia sẻ của ông Stuart Livesey, đại diện Tập đoàn CIP cho hay, các nguồn năng lượng mới như điện gió ngoài khơi đòi hỏi hệ thống vận hành phải thích ứng với các đặc điểm cụ thể. Để đáp ứng yêu cầu này, mức đầu tư trung bình hàng năm vào lĩnh vực này sẽ cần hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, tính phức tạp trong thực hiện các dự án này, chủ yếu do sự thiếu hụt của khung pháp lý, làm chậm dòng vốn đầu tư cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Các ý kiến tại buổi ra mắt cho rằng, họ mong đợi thông tin rõ ràng hơn về Quy hoạch phát triển điện lực của Việt Nam và kế hoạch liên quan đến các chính sách; nhanh chóng xây dựng khung pháp lý và chính sách để cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào năng lượng quốc gia.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, nhiều khía cạnh như chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, hydro carbon thấp, chuyển hóa rác thành năng lượng hay du lịch xanh … là những vấn đề còn mới. Để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực này, cần sớm đưa ra các biện pháp và chính sách cần thiết để cung cấp bối cảnh rõ ràng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không sẽ khó để đạt được sự tăng trưởng vững chắc trong nhiều năm tới…