EU công bố "thuốc" chữa thất nghiệp

Ngày 18/4, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một “đơn thuốc” chi tiết để chữa “căn bệnh thất nghiệp” nhằm đưa Lục địa già trở lại quá trình tạo việc làm cho người lao động, khi mà hiện ở đây cứ 10 người thì có một người thất nghiệp.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, cho biết trong khi các chính phủ có thể phải chật vật bơm tiền để hỗ trợ thị trường lao động, còn có những cách khác để tăng số lượng việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Khi trình bày một loạt đề xuất do EC sọan thảo, Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso nói: “Nền kinh tế xanh, lĩnh vực y tế và công nghệ mới sẽ tạo ra hơn 20 triệu việc làm trong những năm tới”. Các đề xuất của EC nêu rõ “các biện pháp cụ thể” để cải thiện thị trường việc làm sẽ bao gồm cả “việc giảm thuế lao động”.


Có khoảng 4,5 triệu việc làm đã bị mất từ năm 2008 đến giữa 2011. Nguồn: Internet.


Theo số liệu của EC, khoảng 4,5 triệu việc làm đã bị mất trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến giữa 2011, mặc dù EC thừa nhận rằng khoảng 4 triệu việc làm khác vẫn còn bị bỏ trống trên toàn khu vực EU.

Các nhà lãnh đạo EU đặt mục tiêu đến năm 2020, khoảng 75% số người từ 20-64 tuổi sẽ có việc làm. Nếu mục tiêu này được thực hiện, EU sẽ phải bổ sung thêm 17,6 triệu việc làm so với mức hiện tại. Kể từ khi khủng hoảng xảy ra, tỷ lệ việc làm tại EU đã giảm xuống 68,9% (trong quý III/2011) cùng với viễn ảnh suy thoái trong năm nay và sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các nước và các khu vực khiến cho cuộc chiến chống đói nghèo trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Báo cáo nghiên cứu của EU về tác động xã hội của cuộc khủng hoảng cho thấy 80% người dân châu Âu cho rằng tình trạng đói nghèo đã trở nên nghiêm trọng hơn trong một năm qua và chỉ có 14% công dân EU cho rằng sức mua của họ sẽ được cải thiện trong năm tới. Trong khi quyền được làm việc tại bất kỳ đâu trong EU được coi là một quyền “cơ bản”, trên thực tế những trở ngại vẫn tồn tại ở nhiều cấp khác nhau.


EC muốn chế độ hưu trí, và cả những khoản phúc lợi xã hội cho người thất nghiệp, trở nên linh hoạt hơn và đảm bảo công bằng trong quy trình tính thuế cho các công nhân làm việc ở nước ngoài. Trong khi đó, EC lại tiếp tục thúc giục các đối tác trong EU hủy bỏ những hạn chế trong thị trường việc làm đối với các công dân Bungari và Rumani.

Tuy nhiên, trong một nỗ lực nhằm tránh tình trạng lương bị cắt giảm, EC cho rằng “những điều chỉnh thường xuyên” cần được thương lượng với công nhân và các nghiệp đoàn để tránh tình trạng lương thấp, cũng như cần giám sát chặt chẽ để ngăn chặn sự lạm dụng những điều khoản hợp đồng không đủ chuẩn.

Thái Vân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN