Mặc dù có nhiều khác biệt trong quá trình hình thành, mức độ và quan điểm phát triển cũng như cách tiếp cận trong nhiều vấn đề, trong đó có kinh tế, nhưng Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là hai khu vực được đánh giá là thành công trong hội nhập và phát triển, đã luôn hợp tác chặt chẽ để tăng cường quan hệ đối tác. Trong một bài viết cho nhật báo hàng đầu Singapore “The Straits Times” nhân Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU - ASEAN mới đây, Đại sứ EU tại Singapore, ông Michael Pulch nhận định một quan hệ đối tác mạnh mẽ có ý nghĩa chiến lược đối với cả hai bên, và việc thúc đẩy quan hệ đối tác này sẽ mang lại kết quả cho các thế hệ tương lai.
Tại Hội nghị vừa qua với chủ đề “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU vì Hòa bình, Ổn định và Thịnh vượng”, hai bên đánh giá cao các tiến bộ và hiệu quả đã đạt được, nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ ASEAN - EU phát triển tích cực, toàn diện và đi vào chiều sâu.
Đại sứ EU tại Singapore Michael Pulch. |
Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên phấn đấu tăng thương mại hai chiều, nhất trí việc sớm nối lại đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN - EU sau năm 2015, gia tăng kết nối về cả hàng không, hàng hải, đường bộ, và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hai bên cũng nhất trí tham vấn kinh tế thường xuyên cấp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và EU, tích cực nghiên cứu và triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện Kế hoạch hành động Thương mại và Đầu tư 2013-2014.
ASEAN cũng đề nghị EU hỗ trợ ASEAN tiến hành các chương trình quảng bá về tiềm năng thương mại và đầu tư của ASEAN tại các nước EU. EU cam kết tăng cường hỗ trợ ASEAN về xây dựng cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm, tích cực hỗ trợ ASEAN tăng cường liên kết, kết nối khu vực, nhất là về mặt kết nối thể chế và kết nối người dân. EU đã lập cơ chế đặc trách hợp tác với ASEAN trong kết nối khu vực, hỗ trợ các nỗ lực kết nối của ASEAN thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.
Quan hệ đối tác đối thoại không chính thức giữa ASEAN và EU được thành lập vào năm 1972, chủ yếu nhằm mục đích tiếp cận thị trường châu Âu cho xuất khẩu của hầu hết các nước thành viên ASEAN. Mối quan hệ giữa hai tổ chức khu vực đã được nâng tầm cao hơn với Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - EU lần đầu tiên năm 1978 và hội nghị này sau đó đã được tiến hành thường niên. Tháng 3/2007, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - EU lần thứ 16 (AEMM) tại Nuremberg ở Đức, các ngoại trưởng hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác giữa hai khối có tổng dân số trên 1,1 tỷ người.
Là một trong những nhà tài trợ cho hoạt động của ASEAN, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - EU lần
Theo số liệu của Ban Thư ký ASEAN, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, sau Trung Quốc, song là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào ASEAN, còn ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 6 của EU.
Tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 206 tỷ USD năm 2012 và 242,6 tỷ USD năm 2013. FDI của EU vào ASEAN đạt 23,3 tỷ USD, chiếm gần 22% tổng vốn đầu tư vào khu vực này, trong khi đầu tư từ các nước ASEAN vào EU đã tăng từ 27,7 tỷ euro năm 2006 lên 71,9 tỷ euro năm 2010. |
thứ 19 tại Brunei Darussalam vào tháng 4/2012, hai bên đã nhất trí về một kế hoạch hành động tăng cường quan hệ đối tác giai đoạn 2013-2017, trong đó EU cam kết tiếp tục hỗ trợ tiến trình hội nhập và xây dựng cộng đồng chung của ASEAN, bao gồm tăng cường kết nối ASEAN để củng cố Cộng đồng ASEAN.
Tiến sỹ Yeo Lay Hwee, Giám đốc Trung tâm EU tại Singapore, cho biết các công ty ở Đông Nam Á đang đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường châu Âu trên cơ sở quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai khu vực đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Đàm phán FTA giữa ASEAN - EU đã được đề xuất, nhưng một cơ chế hợp tác thương mại song phương như vậy giữa hai khối đã dậm chân tại chỗ vì những lý do nhất định, và chênh lệch phát triển giữa các nước thành viên ASEAN. Thay vào đó, EU đã quyết định đàm phán FTA song phương với các quốc gia thành viên ASEAN, bắt đầu với Singapore.
Theo Đại sứ EU tại Singapore, ông Michael Pulch, trong các nước ASEAN, Singapore là đối tác kinh tế quan trọng nhất của EU. Singapore đóng góp 1/4 giá trị trao đổi hàng hóa giữa EU và ASEAN (46 tỷ euro) và 1/2 giá trị thương mại dịch vụ giữa hai khu vực (28,8 tỷ euro). Singapore cũng là nơi mà nhiều nhà đầu tư EU lựa chọn để đầu tư, chiếm 60% tổng vốn đầu tư của EU vào ASEAN. EU là nguồn FDI lớn nhất vào “đảo quốc Sư tử”, đạt 118,7 tỷ euro vào cuối năm 2012.
Đại sứ EU tại Singapore cũng nêu bật tầm quan trọng của quan hệ song phương giữa EU và Singapore trong quan hệ giữa EU với ASEAN. Ông cho biết FTA EU - Singapore được ký tắt vào ngày 20/9/2013 là FTA đầu tiên của EU với một nước ASEAN và là FTA thứ hai giữa EU với một quốc gia châu Á, sau Hàn Quốc. Hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy việc ký kết một FTA rộng lớn hơn giữa EU và ASEAN. Trong khi đó, Hiệp định Hợp tác và Đối tác EU - Singapore được ký tắt vào tháng 10/2013, nếu được phê chuẩn, sẽ tạo một khuôn khổ toàn diện để xây dựng và tăng cường quan hệ trên tất cả các lĩnh vực giữa hai khu vực.
Về vai trò hỗ trợ của EU đối với quá trình hội nhập ở ASEAN, EU đã thành lập các chương trình hỗ trợ như Công cụ đối thoại khu vực EU - ASEAN và Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN trong giai đoạn 2013-2016, nhằm thúc đẩy thực hiện các sáng kiến hội nhập khu vực trọng điểm trong Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN để xây dựng thị trường và cơ sở sản xuất chung ASEAN, đồng thời giúp tăng cường xây dựng năng lực của ASEAN trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng, khoa học và công nghệ, quản lý thiên tai và của Ban thư ký ASEAN.
Đại sứ - Trưởng phái đoàn đại diện thường trực EU tại ASEAN, Olof Skoog, đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của EU về hỗ trợ hơn nữa quá trình hội nhập và xây dựng cộng đồng chung vào năm 2015 cũng như sau năm 2015 của ASEAN thông qua hỗ trợ tài chính cho ASEAN phát triển cơ sở hạ tầng kết nối. Ông Olof Skoog cũng lạc quan tin tưởng rằng Cộng đồng ASEAN sẽ trở thành khối vững mạnh, đóng góp tích cực hơn trong nỗ lực chung đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu, đồng thời hy vọng những thành công hội nhập của EU sẽ truyền cảm hứng, thúc đẩy ASEAN trên con đường hội nhập của mình.
Các nhà lãnh đạo ASEAN thường tuyên bố sẽ không xây dựng và phát triển khối theo mô hình hội nhập của châu Âu, nhưng sẵn sàng học hỏi từ các kinh nghiệm của EU trong phát triển Cộng đồng châu Âu, nhất là các vấn đề liên quan đến hội nhập và xây dựng cộng đồng, bởi EU đã đi tiên phong trong hội nhập khu vực kể từ đầu những năm 1950 và là mô hình phát triển nhất của thế giới về hội nhập khu vực.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 tại Bali của Indonesia năm 2003 mới nhất trí quyết tâm xây dựng một Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột, trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Và trong khi EU đã là một cộng đồng quốc tế phát triển với các chính sách, tổ chức và khuôn khổ pháp lý chung, trong đó 28 quốc gia thành viên thường xuyên nhất trí trao một phần chủ quyền của mình cho cơ quan điều hành chung là Ủy ban châu Âu thì 10 quốc gia thành viên ASEAN tham gia vào hợp tác khu vực trên nguyên tắc đồng thuận trong một nỗ lực nhằm bảo vệ và duy trì chủ quyền của các thành viên.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Bali năm 2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố chung được gọi là Hiệp ước Bali II, trong đó nhất trí Cộng đồng Kinh tế ASEAN là một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất, cho phép hàng hoá, dịch vụ và các yếu tố sản xuất như vốn, đầu tư và lao động lưu thông tự do trong khu vực nhằm đạt được mức độ hội nhập kinh tế sâu rộng hơn giữa các quốc gia thành viên và tiến bộ về thể chế. Như vậy, với 600 triệu người tiêu dùng, ASEAN là một thị trường thực sự hấp dẫn đối với EU, và một ASEAN năng động hơn, cạnh tranh hơn, hội nhập sâu rộng hơn cũng đem lại lợi ích cho cả EU.
Lê Minh