Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, mùa mưa năm 2024 tập trung nhiều vào tháng 8, tháng 9 và tháng 10. Mực nước sông trong mùa lũ năm 2024 có thể đạt mức báo động 2, báo động 3 tại các trạm chính. Do lượng mưa tập trung trong thời gian ngắn và cường độ mạnh, nguy cơ lũ nội đồng tại Hậu Giang sẽ tăng cao, đặc biệt ở các khu vực vùng trũng. Để đảm bảo an toàn sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã tập trung củng cố, kiện toàn đơn vị quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn. Tổ chức duy tu, sửa chữa, vận hành, khai thác công trình cống, trạm bơm đảm bảo ứng phó mưa lũ, triều cường.
Trước khi bước vào mùa mưa, huyện Long Mỹ đã tiến hành kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao chính trên địa bàn; trong đó, chú trọng gia cố bờ bao tại các khu vực trũng, thấp, dễ bị ngập và mở rộng khả năng thoát nước khi lũ lên cao. Toàn huyện hiện có trên 30 trạm bơm điện phục vụ trên 8.900 ha đất sản xuất nông nghiệp. Các trạm bơm đảm bảo hoạt động hiệu quả sẵn sàng hỗ trợ việc tiêu, thoát nước trong tình huống khẩn cấp do mưa, lũ, triều cường.
Công trình cống kết hợp trạm bơm Kênh Xéo ở ấp 8, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ được đầu tư năm 2022, phục vụ bơm tưới và tháo nước nước khoảng 200 ha lúa ở khu vực ven đê bao Long Mỹ - Vị Thanh. Sau khi đưa vào sử dụng, đơn vị quản lý, vận hành trạm bơm Kênh Xéo thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, trạm bơm điện theo kế hoạch định kỳ, bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo bơm tháo nước nhanh chóng.
Ông Trần Văn Đầy, Giám đốc Hợp tác xã Thành Đô, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (đơn vị vận hành cống Kênh Xéo) cho biết, công trình cống kết hợp trạm bơm Kênh Xéo giúp bảo vệ an toàn 200 ha lúa, nông dân an tâm hơn khi canh tác trong vùng bảo vệ. Vào mùa mưa, việc tiêu thoát nước nhanh chóng bởi trạm bơm công suất lớn hoạt động, rút ngắn hơn 50% thời gian so với máy bơm công suất nhỏ mà hợp tác xã sử dụng trước kia. Nhờ vậy, bà con nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, thu hoạch đồng loạt, mùa vụ đạt năng suất cao.
Huyện Phụng Hiệp có trên 19.000 ha đất trồng lúa và khoảng 10.000 ha trồng cây ăn trái. Để đảm bảo sản xuất trong mùa mưa, lũ năm nay, huyện đã tiến hành nạo vét, gia cố hệ thống đê bao, cống đập, kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Đồng thời, phát huy tối đa hiệu quả 12 trạm bơm điện được đầu tư đưa vào vận hành, khai thác, mỗi trạm bơm phục vụ khoảng 200 ha.
Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, bên cạnh các giải pháp chủ động về công trình, ngành nông nghiệp còn khuyến khích người dân nhân rộng mô hình nuôi cá ruộng mùa nước nổi. Ngành tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân gia cố bờ bao, cống đập, khai thông dòng chảy kênh, mương dẫn nước; chủ động sẵn phương tiện bơm tháo nước chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác nhằm giảm ảnh hưởng trong mùa mưa, lũ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có hơn 74.000 ha đất sản xuất lúa (riêng vụ lúa Thu Đông năm nay gieo sạ được gần 24.000 ha); hơn 40.000 ha vườn cây ăn trái; hơn 24.000 ha rau màu; trên 3.000 ha mía và hơn 10.000 ha nuôi trồng thủy sản. Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống đê bao bảo vệ; hệ thống đê bao, cống, trạm bơm được đầu tư kiện toàn qua từng năm, góp phần đảm bảo sản xuất an toàn cho nông dân trước diễn biến phức tạp thời tiết.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra, chủ động gia cố ô bao bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa mưa, lũ. Chủ động phương tiện bơm tháo nước để ứng phó những lúc triều cường dâng cao có nguy cơ gây ngập cục bộ, đặc biệt là các vùng trũng thấp như huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy và huyện Long Mỹ...
Trong khi đó, tại tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Công văn số 2365/UBND-KT1 về việc ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới gửi các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh; Công ty Điện lực Hưng Yên.
Theo đó, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan chỉ đạo các Ban Quản lý dự án công trình, các chủ đầu tư dự án nông nghiệp, giao thông... liên quan tới công trình thủy lợi khẩn trương đôn đốc các nhà thầu thi công khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh, mương, tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính liên quan trực tiếp tới công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa bão. Đồng thời, tổ chức trực ban 24/24 giờ theo quy định, thường xuyên báo cáo tình hình ngập úng, các sự cố công trình thủy lợi, đê điều về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và UBND tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức khoanh vùng, xác định cụ thể các diện tích cây trồng có nguy cơ ngập úng; chỉ đạo sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước, bảo đảm hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra. UBND các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên tiếp tục rà soát và có phương án bảo đảm an toàn đối với các trọng điểm xung yếu, các công trình đang thi công, các công trình bị hư hỏng trong đợt mưa lớn vừa qua mà chưa khắc phục được; sẵn sàng phương án phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động.
UBND tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh triển khai hiệu quả phương án phòng, chống úng năm 2024; Công ty Điện lực Hưng Yên: Cấp điện cho các trạm bơm tham gia tiêu úng trên địa bàn tỉnh bảo đảm chất lượng điện và thời gian 24/24 giờ. Bố trí lực lượng cán bộ điện lực ứng trực 24/24 giờ bảo đảm ứng phó kịp thời với các sự cố điện phát sinh...
Theo báo cáo của UBND huyện Kim Động về việc sạt lở bờ sông Hồng, tại thôn Đức Ninh, xã Đức Hợp, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và các đợt vận hành xả lũ của các hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình, dẫn đến sự cố sụt, lún và sạt lở hạ lưu tuyến kè Phú Mỹ. Đáng chú ý, tại khu vực hạ lưu tuyến kè có chiều dài khoảng 300 m, những năm trước đã xuất hiện sạt lở, hiện nay tiếp tục bị sạt lở theo hướng đứng thành lấn sâu vào bãi sông, vị trí lấn sâu nhất vào bãi sông khoảng 36m, gây sụt, lún mái kè.
Sự cố sụt, lún mái kè và sạt lở hạ lưu tuyến kè trên nếu không được xử lý sẽ có khả năng tiếp tục có diễn biến sạt lở mở rộng thêm, ảnh hưởng lớn đến an toàn công trình đê điều, đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân thôn Đức Ninh.
Trước diễn biến trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền địa phương thông báo trên các phương tiện truyền thông về tình trạng sự cố; cắm biển cảnh báo sự cố, cấm người và gia súc qua lại vị trí sự cố; tổ chức lực lượng thường trực kiểm tra, theo dõi, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố…
Ngày 13/8, kiểm tra thực tế tại địa điểm sạt lở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt, bão tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế nhằm đánh giá nguyên nhân gây ra sự cố và thiết kế xử lý khắc phục sự cố trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; tổ chức lựa chọn các nhà thầu tham gia xử lý, khắc phục sự cố theo quy định. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu với UBND tỉnh nguồn kinh phí để thực hiện ngay nhằm khắc phục sự cố công trình.
UBND huyện Kim Động chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố; xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ kè theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra; thông báo trên các phương tiện truyền thông về tình trạng sự cố; cấm người và gia súc qua lại vị trí sự cố; thống kê thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhân dân...