Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Hải Dương xảy ra 46 vi phạm công trình thủy lợi. Trong đó, huyện Ninh Giang xảy ra nhiều nhất với 11 vi phạm và huyện Nam Sách xảy ít nhất 1 vi phạm; đã xử lý và giải tỏa 7 vụ.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh còn tổng số 2.250 vi phạm phải xử lý, giải tỏa. Trong đó, 1.051 vi phạm trước ngày 1/7/2018 (ngày Luật Thủy lợi có hiệu lực) và 1.199 vi phạm từ ngày 1/7/2018 đến nay. Cùng với đó, có 1.422 trường hợp được xem xét giữ nguyên hiện trạng theo điều 48 Luật Thủy lợi vì không ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi.
Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Xây dựng nhà ở; làm chuồng trại, tường bao, cầu dân sinh qua kênh; tập kết vật liệu, đổ đất, cát san lấp làm mặt bằng; xả nước thải không phép; thả đăng, đó, đào ao, làm vườn, trồng cây...
Để chấn chỉnh việc quản lý và ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm các hành vi vi phạm công trình thủy lợi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy, thị ủy tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phạm vi bảo vệ và quản lý an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch khắc phục dứt điểm các vi phạm đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật; quản lý chặt chẽ không để phát sinh tình trạng vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ và quản lý an toàn công trình thủy lợi nếu để phát sinh vi phạm mới trên địa bàn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tăng cường kiểm tra, giám sát về việc lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng đối với việc quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn; kịp thời phát hiện và chỉ đạo tổ chức kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Về tiến độ, kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Đoàn giám sát của HĐND rà soát số liệu, xác định các trường hợp vi phạm để phân loại xử lý theo quy định. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh định kỳ 6 tháng (tháng 6 và tháng 12 hàng năm) báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về tình hình, tiến độ, kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng yêu cầu Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy để phát sinh vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về thủy lợi từ đầu năm 2024 đến nay chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách, Thanh Hà nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai thông báo kết luật của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh ngày 21/11/2023.
Tính đến nay, tỉnh Hải Dương đã xử lý, giải tỏa 616 vi phạm công trình thủy lợi tồn tại từ những năm 2023. Trong đó, có 355 trường hợp do chính quyền địa phương xử lý, giải tỏa; còn lại tự giải tỏa hoặc được giải tỏa khi thực hiện các dự án xây dựng công trình do ngân sách nhà nước đầu tư, dự án dân cư, đô thị, cụm công nghiệp liên quan đến các tuyến kênh….
Từ nay đến 31/12/2024, để tiếp tục xử lý, giải tỏa các vi phạm mới phát sinh, vi phạm còn tồn tại, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung vận động tự xử lý, giải tỏa vi phạm, cam kết thời gian thực hiện để người dân hiểu rõ, đồng thuận, phối hợp và tự giác giải tỏa, khắc phục các vi phạm; trường hợp không tự giác thì kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa các vi phạm.
Lãnh đạo UBND cấp huyện cần tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công trình thủy lợi. Nếu để phát sinh vi phạm mới trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện giải tỏa, xử lý vi phạm và bảo vệ, quản lý an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng giao các sở, ngành phối hợp với các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm mới, chuyển thông tin đến UBND cấp huyện, cấp xã để xử lý ngay; kiên quyết xử lý, giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi còn tồn tại; đối với những trường hợp vượt quá thẩm quyền cần tham mưu, báo cáo, đề xuất ngay giải pháp để xử lý.
Công an tỉnh Hải Dương chỉ đạo lực lượng công an cấp huyện, cấp xã đảm bảo an ninh, trật tự, xử lý nghiêm các hành vi gây rối, vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện ngăn chặn, giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp xả thải trái quy định vào công trình thủy lợi theo thẩm quyền.