Những kết quả tích cực
Trên bờ sông Hồng Quang đoạn qua địa phận xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, những năm trước có hơn 10 hộ làm lều lán, nhà tạm để bán hàng, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến hành lang công trình thủy lợi và làm khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.
Từ năm 2020 đến nay, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Thanh Miện và xã Đoàn Tùng đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ toàn bộ các lều lán xây dựng vi phạm, trả lại sự thông thoáng, sạch đẹp cho khu vực này.
Ông Nguyễn Công Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đoàn Tùng cho biết, xã đã phối hợp chặt chẽ với xí nghiệp đến từng hộ dân ký cam kết. Nếu hộ nào vi phạm sẽ xử lý đúng pháp luật, đồng thời, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh để nhân dân nắm được. Vừa qua, xã cũng đã vận động yêu cầu các hộ dân dừng chăn thả vịt trên hệ thống sông và dùng đăng, chắn để bắt cả. Về lâu dài, mong các cấp tạo mọi điều kiện giúp lát kè đá bờ sông để tránh sạt lở và giúp bảo vệ công trình thủy lợi.
Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi ở Thanh Miện giảm đáng kể. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Thanh Miện, việc phòng chống vi phạm hành lang công trình thủy lợi được các cấp chính quyền quan tâm và đã đạt kết quả tích cực. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, giai đoạn 2015 - 2020, huyện ủy Thanh Miên đã chỉ đạo xuyên suốt, từ đó, các cấp ủy đảng đã phối hợp với xí nghiệp làm tốt tuyên truyền, vận động nhân dân phòng chống vi phạm.
Nhờ vậy, các vi phạm được phát hiện, giải tỏa kịp thời. Giải tỏa đến đâu, các tổ chức đoàn thể tiếp nhận trồng hoa tạo môi trường cảnh quan, chống tái vi phạm. Năm 2015, toàn huyện có trên 700 vi phạm, nay còn 507 vi phạm và không có vi phạm nghiêm trọng. Trong năm 2021, xí nghiệp đã tham mưu huyện có văn bản phối hợp với các địa phương rà soát, chọn sông Hồng Quang - tuyến trọng điểm đi qua địa phận 5 xã trong huyện - để thí điểm ký cam kết với các hộ dân không vi phạm công trình thủy lợi. Đến nay trên 500 hộ đã ký cam kết. Từ nay đến hết năm sẽ chọn thêm 2 - 3 tuyến kênh nữa để triển khai.
Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương đang quản lý trên 4.700 công trình thuộc hệ thống gồm 8 hồ, 277 trạm bơm, trên 1.200 tuyến kênh, trên 3.100 cống và 72 tuyến bờ bao, bờ vùng.
Tháng 4/2021, đơn vị đã xây dựng kế hoạch ký cam kết không vi phạm công trình thủy lợi tới từng hộ dân, từng tổ chức liền kề với tuyến kênh. Theo đó, công ty giao các xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi chi nhánh kiểm tra, rà soát, lựa chọn thí điểm 1 tuyến kênh phù hợp để phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, thực hiện ký cam kết không vi phạm tới từng hộ dân, từng tổ chức. Tập trung vào vi phạm lấn chiếm, xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và tiến tới thực hiện trên toàn địa bàn.
Nhờ sự vào cuộc tích cực và đồng thuận của các cấp chính quyền, đến hết tháng 6/2021, công ty đã tổ chức ký được 11 tuyến kênh với chiều dài 43 km. Có 494/529 hộ dân và tổ chức ký, đạt tỷ lệ gần 94%.
Ông Đào Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Hải Dương cho biết, tính đến 20/7, toàn hệ thống có 4.182 điểm vi phạm công trình thủy lợi. Công ty tiếp tục chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân, kịp thời phát hiện và ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới; phối hợp các cấp chính quyền địa phương giải tỏa các công trình vi phạm cũ.
Chính quyền cần mạnh tay
Ở một số nơi trong tỉnh, tình trạng phát sinh và tiếp diễn các vi phạm trên cơ sở những tồn tại trước đó chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm. Chính quyền địa phương vẫn than khó.
Mới đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa ở khu Quán Ngái, xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ đã tiến hành xây dựng công trình vi phạm hành lang bảo vệ bờ kênh chùa So - Quảng Giang. Cuối tháng 7, khi phát hiện hành vi xây dựng công trình của gia đình ông Hòa, xã đã báo cáo đơn vị quản lý đoạn đường bộ. Chính quyền, xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi và cả đơn vị quản lý đoạn đường bộ đều đã lập biên bản, yêu cầu gia đình tháo dỡ. Thời điểm đó, ông Hòa đồng ý dỡ nguyên vật liệu. Tuy nhiên, sang đầu tháng 8, lợi dụng đêm tối, hộ dân này đã đổ bê tông móng công trình. Đến nay, xã đã lập biên bản, yêu cầu dừng thi công.
Theo ông Trần Đình Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Nghiệp, hiện khu vực này gồm nhiều công trình quán, nhà ở của 37 hộ dân. Đây là vấn đề do lịch sử để lại, xử lý rất khó, bởi trước năm 1980, chính quyền giao cho các gia đình chính sách sử dụng để buôn bán. Trong quá trình sử dụng, các hộ đã mua bán, chuyển nhượng. Phương hướng của xã là tiếp tục vận động các hộ chấp hành nghiêm và kiến nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc với địa phương trong việc xử lý vi phạm.
Một vi phạm khác là trường hợp lấn chiếm lòng kênh thuộc địa phận xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ tồn tại 2 năm nay. Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Tứ Kỳ đã lập biên bản, đình chỉ thi công.
Thời điểm đó, người dân cũng chấp hành, nhưng sau đó một thời gian lại tiếp tục cơi nới. “Có thể nói, việc kiểm tra, phát hiện sớm, lập biên bản vi phạm đã làm kịp thời. Việc xử lý bước đầu đã nghiêm. Nhưng về lâu dài, mong các cấp chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn, giải quyết triệt để các vi phạm”, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tứ Kỳ kiến nghị.
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương cho biết đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương có ý kiến với các cấp chính quyền cơ sở tích cực vào cuộc để ngăn chặn các vi phạm phát sinh, giải tỏa các vi phạm cũ.
Các vi phạm công trình thủy lợi không chỉ đe dọa an toàn công trình, tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố mà còn ảnh hưởng đến việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh. Để ngăn chặn phát sinh, tái diễn tình trạng này đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương cần quyết tâm xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, thậm chí xử lý những người có trách nhiệm liên quan.