Đường hầm Thủ Thiêm - để Vùng đất hoang sơ cất cánh: Thủ Thiêm - trung tâm thương mại và tài chính

Đường hầm dài và hiện đại nhất Đông Nam Á - hầm Thủ Thiêm dưới lòng sông Sài Gòn đang được người dân TP.HCM mong chờ từng ngày. Vùng bán đảo Thủ Thiêm sông nước và bình dị bấy lâu nay sẽ không còn bị cô lập với trung tâm Sài Gòn TP.HCM, tạo ra sự giao lưu về mọi mặt cho cư dân trong dòng chảy của cuộc sống, mang lại dáng vẻ văn minh, hiện đại cho một bán đảo mang đậm bản sắc Nam bộ, một đô thị xanh trên dòng sông Sài Gòn.

Hầm dìm hiện đại nhất Đông Nam Á

Các nước phát triển đã xây dựng các hầm dìm vượt sông hay vượt biển từ lâu đời, nhiều hầm vượt biển hàng chục kilômét đã được xây dựng. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 105 hầm ngầm, trong đó hơn 30 là hầm dìm, phổ biến ở Nhật Bản, Hồng Công, Thượng Hải, Ôxtrâylia, Mỹ, Anh...

Cầu Thủ Thiêm nối liền bán đảo Thủ Thiêm với Trung tâm Thành phố.


Riêng tại khu vực Đông Nam Á, cho đến thời điểm này, với dự án hầm dìm Thủ Thiêm, Việt Nam là quốc gia đầu tiên xây dựng hầm ngầm qua sông. Giới chuyên môn đánh giá rằng, hầm dìm Thủ Thiêm quả là một kỳ công, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của đất nước nông nghiệp vừa trải qua nhiều thiệt hại trong chiến tranh và thiên tai.

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM:

Việc thông xe đại lộ Võ Văn Kiệt và hầm Thủ Thiêm sẽ là động lực cho khu phía đông thành phố mà cụ thể là khu đô thị Thủ Thiêm phát triển xứng tầm với một khu đô thị văn minh và hiện đại. Một trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ sẽ hình thành trong tương lai.

Tuyến đường đại lộ Võ Văn Kiệt sẽ tạo nên một hành lang giúp cho các phương tiện lưu thông theo hướng đông - tây mà không phải đi vào trung tâm thành phố. Đây là một hướng tuyến quan trọng giúp giải thoát lưu lượng xe đang có xu hướng ngày càng đi nhiều vào nội thành, gây tắc nghẽn nghiêm trọng.

Năm 2011, Sở GTVT sẽ ưu tiên đầu tư cho các tuyến giao thông cửa ngõ, kết nối TP. HCM với các địa phương lân cận, đường Vành đai số 2 và các trục đường xuyên tâm, các trục đường kết nối với các đầu mối giao thông lớn, đặc biệt là đến các cảng biển và sân bay cùng một số trục đường giao thông đô thị lớn khác nhằm từng bước giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, đồng thời phát triển hạ tầng giao thông đô thị.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM:
 
Không có dự án phát triển đô thị quốc tế nào là không có tác động đến môi trường, có nhiều ý kiến cho rằng nên giữ hiện trạng Thủ Thiêm để chống ngập cho thành phố, tuy nhiên tình trạng ngập này là do thành phố đã mọc lan ra khắp các hướng, đặc biệt vùng trũng là phía nam.

Đối với việc phát triển Thủ Thiêm, nó chỉ hoàn chỉnh khi các công trình giao thông trọng điểm trên đồng loạt hoàn thành, được đưa vào sử dụng, lần đầu tiên trong hơn 300 năm phát triển, TP.HCM sẽ có đường vành đai có thể nối thành vòng tròn, và biến quận 2 trở thành trung tâm tài chính – dịch vụ – thương mại cao cấp, có hệ thống hạ tầng hiện đại với một không gian sống, làm việc lý tưởng dần thành hiện thực. Khi đó phố Đông Sài Gòn (Thủ Thiêm) không phải là cái tên mơ ước nữa .

Bà Trần Thị Lan, phường An Khánh, quận 2:

Bao nhiêu năm nay những người dân quận 2 phải đi qua trung tâm TP bằng chiếc phà Thủ Thiêm. Giờ đây sắp được đi hầm Thủ Thiêm, những người già như chúng tôi không còn nhiều thời gian để sống và được hưởng thụ những công trình hiện đại, nhưng con cháu chúng tôi sẽ được đi lại dễ dàng hơn rất nhiều so với cảnh phải qua phà. Hầm Thủ Thiêm thông xe, những người dân quận 2 cũng sẽ được hưởng lợi trong việc đi lại làm việc.

Nhưng vui nhất là nhìn thấy TP.HCM ngày càng có nhiều công trình xây dựng vĩ đại, nhìn thấy sự phát triển vững mạnh của TP.HCM. Chúng tôi hy vọng quận 2 cũng sẽ được chú trọng đầu tư phát triển đường xá, trường học, bệnh viện để phục vụ cho nhu cầu hằng ngày của người dân địa phương.


Hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn là một trong những dự án đồ sộ của khu đô thị mới Thủ Thiêm với chiều dài 1,49 km, trong đó, tổng chiều dài đoạn hầm dìm dưới sông là 380 m, phần dẫn lên bờ dài 770m, đảm bảo cho 6 làn xe lưu thông và có hai đường thoát hiểm cùng các thiết bị thông gió, chiếu sáng, hệ thống cấp nước, chống cháy, đo đạc độ ô nhiễm không khí và hệ thống đếm xe... Ngoài ra, hầm còn có hệ thống loa phóng thanh, báo động khi xảy ra sự cố.

Đoạn hầm dìm này được chia thành 4 đốt hầm, mỗi đốt có chiều rộng xấp xỉ 33 m, cao 9 m và dài 92 m và được đúc tại bể đúc ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cách vị trí xây dựng hầm khoảng 20 km theo đường thủy dọc sông Sài Gòn. Việc lai dắt và dìm bốn đốt hầm được đánh giá là công đoạn cực kỳ quan trọng và được sự quan tâm và theo dõi chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP. HCM. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP.HCM nhớ lại: Công tác lai dắt và lắp đặt các đốt hầm Thủ Thiêm là một công việc hết sức phức tạp, yêu cầu chính xác cao và an toàn tuyệt đối. Được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, việc lai dắt các đốt hầm đã thành công theo đúng yêu cầu.

Do đây là một công trình trọng điểm, đặc biệt quan trọng, nên UBND TP.HCM đã đưa công tác quay phim tư liệu là một trong 11 nhiệm vụ chính của quá trình lai dắt. HTV đã thực hiện việc quay phim tư liệu từ trên không bằng máy bay trực thăng, với sự hỗ trợ của Sư đoàn Không quân 370. Còn có một đoàn quay phim tư liệu từ dưới nước, do nhóm quay phim dưới nước của Công ty cầu phà TP.HCM thực hiện.

Trục giao thông xương sống

Để sử dụng được nguồn vốn ODA, trước năm 2000 Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã cử đoàn chuyên gia cao cấp (Đoàn SAPROF) cùng phía Việt Nam khảo sát đánh giá, lựa chọn một số dự án giao thông đã được thành phố dự kiến triển khai. Qua nghiên cứu các dự án cũng như đánh giá thực tế mạng lưới giao thông thành phố theo hiện trạng và quy hoạch, SAPROF đã chọn đầu tư dự án này. Và ngày 5/7/2000, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định đầu tư với tên dự án là “Dự án Xây dựng Đại lộ Đông - Tây TP.HCM.

Dự án có chiều dài toàn tuyến 21,89km, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, tạo thành một tuyến trục giao thông đông - tây, kết nối hai đầu đông bắc - tây nam thành phố, cải thiện hệ thống giao thông nội thị hiện đang quá tải. Có Đại lộ Đông – Tây, các phương tiện giao thông ra vào cảng Sài Gòn để đi và về các tỉnh miền Đông và miền Tây sẽ không phải đi vào trung tâm thành phố. Đây sẽ là con đường huyết mạch nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tạo thành mối liên kết chặt chẽ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án Đại lộ Đông - Tây tạo tiền đề cho việc giãn dân cư đô thị về phía đông và phía nam thành phố, đặc biệt góp phần quan trọng hình thành trung tâm thương mại mới ở Thủ Thiêm thuộc quận 2.

Trong sơ đồ phát triển cơ sở hạ tầng của khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngoài Đại lộ Đông - Tây với 12 làn đường dành cho xe cơ giới và dự án hầm dìm Thủ Thiêm còn có các dự án giao thông quy mô khác với 5 cây cầu, nối bán đảo Thủ Thiêm với các khu vực trọng yếu khác của TP.HCM: Cầu Thủ Thiêm nối với quận Bình Thạnh; cầu Phú Mỹ nối với quận 7; cầu Thủ Thiêm, hai cầu Sài Gòn mới và cầu Trần Não nối trung tâm thành phố với quận 2 và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Như vậy, với sự hiện diện của hầm dìm cùng 5 cây cầu trọng yếu, bán đảo Thủ Thiêm sẽ được kết nối với trung tâm thành phố và các quận lân cận, trở thành một trung tâm của thành phố trong tương lai, trong khi Đại lộ Đông- Tây được coi là điểm nhấn quan trọng nhất của cửa ngõ đi vào bán đảo Thủ Thiêm. Ngoài ra, bến du thuyền cùng với các loại dịch vụ taxi canô trong tương lai sẽ tạo ra những nét chấm phá đặc sắc cho khu đô thị mang đậm bản sắc vùng sông nước Nam bộ.

Hiện tại trên 90% diện tích của quận 2 được phủ kín bởi hơn 300 dự án bất động sản. Bên cạnh các dự án cũ là những dự án mới lần lượt ra mắt thị trường. Phường Bình Khánh có 3 dự án xây dựng căn hộ cao cấp đang được triển khai, với hơn 80 ha và sẽ đóng góp cho thị trường hơn 7.000 căn hộ. Ở phường Thạnh Mỹ Lợi, dự án Thạnh Mỹ Lợi 174 ha cũng đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và đã có hàng chục nhà đầu tư tham gia xây dựng căn hộ cao cấp. Ở phía bắc xa lộ Hà Nội, những dự án lớn như Thảo Điền Pearl, Hoàng Anh River View cũng tham gia và cung cấp cho thị trường hàng ngàn căn hộ.

Thủ Thiêm cất cánh

Bán đảo Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng hơn 300m đường sông. Vùng đất bán đảo này có diện tích 737ha, hiện đang là nơi sinh sống và làm việc của khoảng 40.000 dân, đa phần là công chức, công nhân sáng đi, chiều về giữa hai bờ sông Sài Gòn. Kinh tế Thủ Thiêm chỉ tăng trưởng khoảng 5%/năm, chủ yếu người dân sống bằng sức lao động từ các công xưởng ven bờ sông Sài Gòn từ nhiều đời nay. Phần còn lại sống nhờ các nghề tự do với dịch vụ trên sông, buôn bán nhỏ là chủ yếu. Nông nghiệp hầu như không phát triển do đất hoang hóa nhiều. Các nguồn lợi từ thủy sản cũng hầu như không có.

Vì thế không thể để mãi một vùng quê sông nước mà nguồn lương thực, thực phẩm đều là nhập từ trung tâm thành phố như thế. Kiến trúc sư Trang Bảo Sơn, Phó trưởng BQL dự án Thủ Thiêm nhìn nhận, không có lý do gì để chỉ cách nhau một con sông mà hai bên lại giàu - nghèo tương phản đến thế. Thủ Thiêm có cảnh quan hết sức lý tưởng mà nhiều nước trên thế giới mơ ước để phát triển đô thị trung tâm với các trung tâm thương mại, tài chính quốc tế.

Những hầm dìm trên thế giới

Trên thế giới, việc xây dựng và sử dụng hầm dìm dưới lòng sông hoặc biển không phải là điều gì đó ngoài sức tưởng tượng. Kể từ khi tồn tại nền văn minh loài người, hầm ngầm đã được xây dựng phục vụ cho mục đích lưu thông dưới lòng đất, lòng sông.

Ở Nhật Bản nổi tiếng như dự án đường ngầm lớn nhất thế giới Seikan Tunnel với chiều dài 53.85 km, trong đó có 23.3km ngầm dưới đáy biển, nối hai hòn đảo Honshu và Hokkaido, hay đường hầm Eurotunnel ngầm 40m dưới đáy biển với chiều dài 38km nối Folkestone, quận Kent (Anh) đến Coquelles ở Pas-de-Calais (Pháp) – một trong bảy kỳ quan thế giới hiện đại.

Ý tưởng đầu tiên về việc đào một đường ngầm qua biển Manche được Albert Mathieu – một kỹ sư người Pháp – phát triển vào năm 1802, tuy nhiên, công việc này chỉ thực sự được bắt đầu vào cuối năm 1870. Nhưng rồi đến năm 1882, dự án bị dừng lại vì Anh e sợ Pháp xâm lấn thông qua hệ thống đường ngầm. Việc đào hầm ngầm bị gián đoạn và chỉ được khởi công lại vào năm 1973, nhưng lại bị ngưng lại hai năm sau đó do chi phí tăng cao. Cuối cùng, vào năm 1994, dự án mới được hoàn tất. Giờ đây, EuroTunnel đảm bảo sự kết nối giữa Pháp và Anh, cho phép cả xe lửa lẫn xe hơi đều có thể lưu hành qua đó.

Người La Mã được biết đến như những thợ xây hầm ngầm lành nghề trên thế giới bằng việc sử dụng nô lệ như một nguồn lực lao động chính. Với 30.000 nhân công làm việc trong suốt 10 năm trời, họ đã từng hoàn thành một chặng đường ngầm dài 5,6 km để dẫn nước từ hồ Fucino.

(Sưu tầm).

Từ những năm cuối thế kỷ 20, TP.HCM đã có một đồ án chi tiết xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng phải dừng lại do tình hình khủng hoảng kinh tế. Qua đầu thế kỷ 21, TP.HCM lại xác định phải phát triển Thủ Thiêm vì đồ án của Công ty Sasaki Associates, Inc đã đoạt giải Nhì trong Cuộc thi ý tưởng qui hoạch tổng mặt bằng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Sasaki xác định năm nguyên tắc chủ yếu cho ý tưởng thiết kế gồm: Liên kết khu vực với dòng sông; kết nối khu vực với trung tâm hiện hữu mang tính lịch sử; cân bằng sự phát triển với khu vực công cộng và không gian chung; đề xuất về mật độ và một mô hình đô thị bền vững; đảm bảo tính linh hoạt và khả thi để thích ứng với sự phát triển và thay đổi. Việc quy hoạch phát triển cho tương lai là rất cần thiết khi mong muốn quận 2, đặc biệt là khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ trở thành một trung tâm Thương mại – Tài chính của thành phố nhằm có những bước đột phá chuyên sâu trong lĩnh vực này trong thời kỳ mới.

Các chuyên gia kiến trúc nhận định, Thủ Thiêm có một địa thế đẹp: Sông Sài Gòn trước khi giao với sông Đồng Nai để đổ ra biển đã uốn lượn ôm lấy đất vùng Thủ Thiêm. Trong khi các mô hình đô thị sinh thái đang trở thành xu hướng chính trong lĩnh vực xây dựng nhưng không phải dự án nào cũng có thể đáp ứng được tiêu chí này thì Thủ Thiêm lại được thiên nhiên ban tặng một vị trí địa lý vô cùng thuận lợi để trở thành một khu đô thị xanh mang bản sắc của nền “văn hóa sông nước” Nam bộ, nơi con người thường xuyên có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên.

Điều quan trọng là việc quy hoạch Thủ Thiêm làm sao đừng để mắc phải sai lầm như hiện trạng các quận, huyện nội thành. Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm được duyệt năm 2005 đã tạo dựng được hình ảnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm là Trung tâm mở rộng của Thành phố Hồ Chí Minh trong thế kỷ 21, có cấu trúc và không gian hiện đại, đồng bộ, phù hợp tầm nhìn dài hạn và các tiêu chuẩn quốc tế, có tính thân thiện cao giữa dân cư và môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt đã phát sinh nhiều vấn đề thực tế, đòi hỏi cần nghiên cứu bổ sung làm rõ chi tiết và nghiên cứu điều chỉnh cục bộ phù hợp nhằm nâng cao tính khả thi, đáp ứng các mục tiêu phát triển hiệu quả của dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sĩ Dũng

 

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN