Theo Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, đối với đường điện 35kV, khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất không nhỏ hơn 14m. Tương tự đối với đường điện 110kV là 15m và đường điện 220kV là 18m. Tuy nhiên, đường điện hiện tại "bịt" lối vào cảng cá Mắt Rồng chỉ có độ cao không đến 10m.
Cảng cá Mắt Rồng là một trong những cảng cá lớn nhất của Hải Phòng. Đây là nơi neo đậu của nhiều tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ tại khu vực ngư trường Bạch Long Vỹ, vịnh Bắc Bộ. Để vào khu neo đậu của cảng cá có hai đường chính, một là đi từ hướng thượng lưu và hai là đi từ hướng hạ lưu của con sông Ruột Lợn.
Tuy nhiên, hướng từ thượng lưu đã bị ngăn lại khi tháng 5/2018, Hải Phòng khánh thành, đưa vào sử dụng cây cầu nối đảo Vũ Yên với phần đất liền. Không chỉ có vậy, thời gian qua, đường điện cao thế được kéo từ phía xã Lập Lễ sang đảo Vũ Yên (đoạn phía hạ nguồn con sông Ruột Lợn) do có độ cao quá thấp khiến các tàu không thể ra vào cảng cá.
Ngày 5/10/2018, tàu của anh Nguyễn Văn Hòa (thôn Láng Cáp, xã Lập Lễ khi di chuyển trên sông Ruột Lợn đã bị vướng vào dây điện. Rất may nhờ xử lý kịp nên không có thiệt hại về người.
Ông Đinh Như Dự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lập Lễ cho biết, ngày 24/10/2018, Ủy ban nhân dân xã đã có Công văn số 59/UBND - VP gửi Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng (đơn vị cung cấp điện) đề nghị sớm xử lý tình trạng trên để mở đường lại cho tàu ra vào cảng cá phục vụ sản xuất. Mặc dù vậy, hiện phải chờ các bên lập dự án, thay cột điện để nâng cao dây và cũng chưa biết khi nào mới thực hiện.
Ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn nghề cá Nam Triệu - Lập Lễ phản ánh: Đường dây điện cao thế rất nguy hiểm cho các phương tiện qua lại, nhất là khi thời tiết có mưa. Hiện những tàu công suất lớn hầu như không dám đi qua khu vực này. Ngư dân rất mong các đơn vị liên quan sớm xử lý, nâng cao đường dây điện cao thế ngang sông Ruột Lợn để hoạt động tại cảng cá Mắt Rồng trở lại bình thường.