Cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Ba Hòn (khu phố Hòa Lập, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt tại Quyết định số 1609/QĐ-UB ngày 8/7/2002, thu hồi đất của 481 hộ dân và 3 tổ chức, với tổng diện tích trên 8,3 ha.
Tuy nhiên, đến nay đã gần 16 năm trôi qua, Cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Ba Hòn vẫn chỉ là... dự án nằm trên giấy. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy khiến cho người dân ở đây “sống dở, chết dở”.
Tại khu vực được quy hoạch xây dựng cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Ba Hòn, điều cảm nhận trước tiên là những căn nhà xiêu vẹo nằm chen chúc... Người dân ở đây đa phần đi làm thuê nghề chế biến cá, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Trương Văn Tịnh (sinh năm 1948), ngụ tổ 5, khu phố Hòa Lập, thị trấn Kiên Lương cho biết, chủ trương thực hiện quy hoạch xây dựng Cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Ba Hòn là đúng vì Kiên Lương là một trong những huyện có nhiều ngư dân hành nghề khai thác hải sản với số lượng tàu thuyền lớn.
Thế nhưng, dự án kéo dài nhiều năm khiến người dân trong khu vực gặp rất nhiều khó khăn. Do đã được quy hoạch xây dựng cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Ba Hòn, cơ quan chức năng không đầu tư hệ thống điện, nước. Đất trong khu vực không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Nhà ở cũ nát không được xây lại. Đặc biệt, điều lo ngại nhất là người dân ở địa phương không có hộ khẩu điều này dẫn đến con em đến tuổi đi học gặp nhiều khó khăn.
Ông Tịnh còn cho biết, có trường hợp đã nhận tiền đền bù và nhận nền nhà tại khu tái định cư ấp Kiên Tân, thị trấn Kiên Lương, nhưng thấy lâu dự án không triển khai, họ đã quay lại nơi cũ dựng nhà ở gây tình trạng mất an ninh trật tự. Thậm chí có hộ quay trở lại không ở phần đất cũ mà lại lấn chiếm phần đất của người khác (đã được đền bù) dẫn xảy ra tranh chấp.
Điện, nước sinh hoạt, người dân phải" dùng ké" của các hộ ở phía ngoài đầu đường và phải trả với giá cao hơn. Ông Thượng Công Hải, cư dân ở đây cho biết: Do đây là khu quy hoạch dự án cảng cá nên Nhà nước không đầu tư điện, nước. Nước sinh hoạt hàng ngày phải mua với giá 40.000 đồng/m3, mỗi tháng trung bình gia đình ông phải trả tới 500.000 - 600.000 đồng để mua nước sạch...
Chưa hết, ngoài chuyện ở đây có “nhiều không”, việc phải sống chung với ô nhiễm môi trường nhiều năm nay cũng khiến người dân bức xúc. Do không được quy hoạch,việc chế biến cá, phơi khô nằm trong khu dân cư gây mùi hôi thối rất khó chịu.
Cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Ba Hòn là chủ trương lớn, đúng đắn, thế nhưng do còn vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng nên khó thực hiện.
Đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ đền bù, do thu hồi không được đền bù theo quy định, chỉ hỗ trợ di dời mỗi hộ với mức 1 triệu đồng, 3 tháng tiền ăn 150 đồng/người/tháng và một nền nhà tái định cư mua với giá 2,5 triệu đồng. Sau đó, bổ sung hỗ trợ thêm 80% vật kiến trúc tháo dỡ, ngoài ra không còn chính sách nào khác. Với số tiền này, theo người dân, dù có nền tái định cư, họ cũng không thể làm được nhà tạm. Mặt khác, nơi tái định cư lại không có đất sản xuất.
Theo người dân sinh sống ở đây, để hài hòa, cơ quan chức năng cần tính theo phương án bồi thường phần đất ở, hỗ trợ di dời theo hình thức định cư phân tán để người dân tìm nơi ở và tìm việc làm phù hợp.
Theo ông Giang Thanh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương, Cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Ba Hòn, huyện Kiên Lương do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư. Dự án này được lập với mục đích tạo điều kiện cho các phương tiện đánh bắt, neo đậu, bốc xếp và tiêu thụ sản phẩm góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Chủ trương trợ cấp, bố trí tái định cư cho các hộ phát sinh sau phương án cũng là vận dụng cơ chế chính sách một cách linh hoạt để người dân có điều kiện ổn định cuộc sống. Thế nhưng, dự án bị kéo dài đã khiến cuộc sống của người dân ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, mới đây, UBND huyện Kiên Lương kiến nghị với UBND tỉnh Kiên Giang xin xóa quy hoạch xây dựng Cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Ba Hòn tại khu phố Hòa Lập. Theo đó, sẽ tìm nơi mới để tiếp tục thực hiện dự án này nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Sau khi được đồng ý với phương án này, UBND huyện Kiên Lương sẽ tiến hành quy hoạch tổng thể lại khu vực dự kiến xây dựng Cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Ba Hòn trước đây để xây dựng khu dân cư, giúp người dân an cư lạc nghiệp và tiến tới đưa huyện Kiên Lương nâng lên thành thị xã Kiên Lương theo quy hoạch chung của tỉnh.