Đường dây 500kV Bắc- Nam, mốc son ngành điện

Chỉ còn ít ngày nữa, công trình đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam mạch 1 tròn 20 năm vận hành (27/5/1994 - 27/5/2014). Không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam, đường dây này còn tạo đà cho hệ thống điện 500kV của đất nước phát triển.


Trở về quá khứ


Trở lại với “chiến trường xưa”, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó Chỉ huy công trình 500kV Bắc - Nam bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của một thời oanh liệt, vất vả nhưng cũng rất đáng tự hào.

 

Lắp đặt thiết bị tại Trạm biến áp 500kV Cầu Bông (TP Hồ Chí Minh) của đường dây 500kV Plâycu - Mỹ Phước - Cầu Bông. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Ông Ngãi cho biết, Việt Nam xây dựng đường dây siêu cao áp này chỉ với thời gian 2 năm, vừa thiết kế, vừa thi công; trong khi thế giới cho rằng, cần phải mất từ 8 - 10 năm. “Công trình này chỉ thi công trong một thời gian ngắn đã hoàn thành là do ý chí của con người cùng những quyết sách hợp lý của Chính phủ. Hai năm đó để lại một tác phẩm đỉnh cao của thời đại”, ông Ngãi nhấn mạnh.


Chia sẻ kinh nghiệm về giải phóng mặt bằng khi xây dựng đường dây 500kV mạch 1, Anh hùng lao động Đinh Miên, nguyên Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 bày tỏ, dựa vào dân và chính quyền địa phương, đưa vào nghị quyết của từng địa phương… chính là giải pháp của công tác giải phóng mặt bằng cho công trình này.


Nhớ lại những năm tháng làm đường dây mạch 1, bà Hồ Thị Bích Phượng, nguyên Giám đốc Công ty Xây lắp điện 4 cho biết: “Mỗi công nhân truyền tải phải giám sát, nghiệm thu chặt chẽ từng vị trí móng cột để sau này đảm nhận nhiệm vụ quản lý vận hành an toàn. Công trình này có không ít mồ hôi, xương máu của cán bộ, công nhân ngành điện”.


Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long chia sẻ: Đã có rất nhiều bài báo viết về công trình này nhưng không thể viết hết những đóng góp của những người tham gia xây dựng công trình. Ngoài ý nghĩa về khoa học, công nghệ với sự phát triển của hệ thống điện Việt Nam, công trình này còn là bài học cho việc thực thi mang tính quyết định đối với những công trình của đất nước.

Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 có chiều dài 1.487 km, gồm 3.437 trụ tháp sắt, kéo dài từ Thủy điện Hòa Bình đến trạm 500kV Phú Lâm, trải dọc theo dãy Trường Sơn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công vào ngày 5/4/1992. Đường dây đi qua 14 tỉnh thành phố; trong đó qua vùng trung du - cao nguyên là 669 km (chiếm 45%); núi cao, rừng rậm là 521 km (chiếm 35%) với 8 lần vượt sông là sông Đà, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Sài Gòn và 17 lần vượt quốc lộ. Sau hơn hai năm thi công thần tốc, đến ngày 27/5/1994 , công trình chính thức đóng điện, được đưa vào vận hành và hợp nhất hệ thống điện trong toàn quốc. Mỗi năm, đường dây này truyền tải khoảng 2 tỷ kWh vào TP Hồ Chí Minh với công suất lớn nhất từ 600MW - 800MW.


Quả thực, đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 được đưa vào vận hành đã đáp ứng được kỳ vọng của những người đứng đầu đất nước vào thời kỳ đó. “Hồi đó, có 3 vấn đề đáng quan tâm khi xây dựng đường dây: tính khả thi, hiệu quả kinh tế và tính an toàn. Việc đầu tư gần 5.500 tỷ đồng (tương đương 544 triệu USD) vào thời điểm năm 1992 để xây dựng công trình này là một vấn đề rất lớn đối với ngân sách Nhà nước khi ấy. Thực tế sau 3 năm vận hành, công trình đã hoàn vốn. Đó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết định đúng đắn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông quyết định cho xây dựng công trình vĩ đại này”, Giáo sư Long nhấn mạnh.


Hình thành hệ thống truyền tải bền vững


Đánh giá về vai trò của công trình đường dây 500 kV, ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) khẳng định, đường dây này làm nền tảng cho lưới điện truyền tải phát triển phủ khắp đất nước. Đến nay, lưới điện truyền tải quốc gia do EVNNPT quản lý đã phát triển đến 61/63 tỉnh, thành, các trạm biến áp 500 - 220kV được xây dựng và đưa vào vận hành ở 57/63 tỉnh, thành.


Hệ thống lưới điện 500kV không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống mà còn tạo thành các mạch vòng quan trọng như: 500kV Phú Mỹ - Song Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; Sơn La - Hiệp Hòa - Quảng Ninh - Thường Tín - Nho Quan - Hòa Bình. Đây là tiền đề đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế của đất nước.


EVNNPT cho biết, vào năm 2015, lưới điện truyền tải sẽ cung cấp đủ điện cho nền kinh tế với sản lượng điện truyền tải đạt từ 145 - 150 tỷ kWh/năm và đến năm 2020 từ 265 - 275 tỷ kWh/năm; duy trì và phát triển hệ thống truyền tải liên kết với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia ở cấp điện áp 220 - 500kV. Hệ thống truyền tải quốc gia cũng đang hướng đến phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam với công nghệ hiện đại.

Mai Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN