Tại các vị trí thi công, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đang nỗ lực tối đa để điều hành, đôn đốc, hỗ trợ các nhà thầu, phấn đấu hoàn thành dự án theo kế hoạch Chính phủ yêu cầu. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Rủi ro về tiến độ
Dự án đường dây 500 kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa có điểm đầu cách Trạm biến áp (TBA) 500 kV Quỳnh Lưu (Nghệ An) khoảng 300m và điểm cuối là TBA 500 kV Thanh Hóa. Dự án đi qua 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa với 202 vị trí cột. Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB), dù đến nay các đơn vị thi công đang tập trung đảm bảo đáp ứng tiến độ, song tại một số vị trí, vướng mắc vẫn còn.
Đại diện lãnh đạo CPMB cho hay, với các vị trí móng cọc, việc mở đường, tạo mặt bằng thi công móng, đền bù thi công vẫn còn khó khăn, liên quan đến những đề nghị của người dân về đền bù. Đây là trở ngại cho nhà thầu. Cùng đó, thời gian tháng 4 là nước rút của việc dựng cột, nhưng việc cung cấp vật tư thiết bị cho dựng cột vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ đề ra.
Huyện Như Thanh (Thanh Hóa) nằm trong địa bàn có dự án đi qua là một trong những nơi lãnh đạo địa phương có sự quyết liệt trong chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Thế nhưng tại địa phương này khó khăn vẫn còn.
Ông Hà Văn Huyên, Phó chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết, huyện có 11 vị trí móng cột và đã bàn giao gần như toàn bộ. Riêng đoạn tuyến qua xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh đang gặp vướng mắc do thực tế phân chia địa giới hành chính giữa thị xã Nghi Sơn và huyện Như Thanh. Trong đó, các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án nằm trên địa giới hành chính thuộc huyện Như Thanh nhưng được UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hộ khẩu sinh sống tại xã Phú Sơn, thị xã Nghi Sơn. Do đó, các hộ dân đề nghị được áp dụng chính sách bồi thường cũng như các khoản hỗ trợ như thị xã Nghi Sơn có giá trị cao hơn.
Ngoài ra với hành lang tuyến, các loại cây theo quy định, lãnh đạo huyện Như Thanh đã tiếp xúc trực tiếp, giải thích để người dân nắm rõ bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc, chưa đồng thuận. “Chúng tôi sẽ tổng hợp, cái nào thuộc quyền của huyện thì tuyên truyền và kiên quyết giải quyết, còn thuộc tỉnh thì đề xuất để xin chủ trương”, Phó chủ tịch Hà Văn Huyên nêu ý kiến.
Với Dự án NMNĐ Nam Định I – Thanh Hóa gồm 180 vị trí, từ Nam Định đến TBA 500 kV Thanh Hóa. Theo báo cáo từ Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB), dự án đã thi công trên toàn bộ 180 vị trí, đào đúc móng được 99 vị trí, còn lại 81 vị trí đang thi công. Một số vị trí đã có thể tiến hành dựng cột.
Ông Trần Kim Vũ, Phó giám đốc NPMB cho hay, dự án NMNĐ Nam Định I – Thanh Hóa là dự án được triển khai trước các dự án thành phần còn lại nên có nhiều lợi thế và sớm có mặt bằng thi công. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhà thầu xây lắp còn gặp khó khăn liên quan đến mượn đường vào vị trí thi công là phải đặt cọc, xác định giá trị đặt cọc. Đây là khó khăn của cả địa phương và nhà thầu thi công vì khối lượng máy móc lớn, các thủ tục, quy định chưa cụ thể.
“NPMB đã tích cực phối hợp chặt chẽ với địa phương, bám sát từng ngày với từng vị trí. Đến nay, dự án này đã cơ bản hoàn thành đường vào thi công. Nhưng ở các dự án khác, cũng cần sự hỗ trợ tích cực của địa phương để triển khai nhanh hơn. Đến 30/3 nhà thầu sẽ hoàn thành các vị trí móng bản, các vị trí móng cọc sẽ ép cọc đại trà xong vào đầu tháng 4 để tiến hành dựng cột trong tháng 4 và kéo dây từ tháng 5”, ông Trần Kim Vũ cho biết.
Vấn đề đầu tiên trong xây dựng cột là đào đúc móng đã được Chủ đầu tư, các nhà thầu và địa phương phối hợp chặt chẽ, có thể đảm bảo tiến độ đặt ra. Tuy nhiên, theo đại diện NPMB, khó khăn trong giai đoạn tới đây sẽ là áp lực trong cung cấp cột và dựng cột.
Mỗi vị trí cột có khối lượng vật tư hàng trăm tấn. Với khối lượng cung cấp lớn trong thời gian ngắn, điều này tạo áp lực với một số nhà thầu sản xuất cột vì quá tải. Việc nhập nguyên liệu chế tạo cột cũng sẽ căng thẳng bởi muốn nhập về nhanh hơn, đảm bảo tiến độ thì giá nhập khẩu sẽ tăng thêm 30%. Nếu khâu cung cấp thiết bị chậm, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dựng cột và ảnh hưởng chung đến tiến độ dự án, ông Vũ chia sẻ thêm.
Theo lãnh đạo NPMB, ngoài dự án NMNĐ Nam Định 1 – Thanh Hóa thì với dự án NMNĐ Nam Định 1 - Phố Nối triển khai thủ tục mặt bằng chậm hơn nhưng hiện cũng đang bám sát tiến độ.
Đánh giá về tiến độ và những khó khăn của dự án đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định 1 – Thanh Hóa, ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho hay, các đường nội bộ của xã quá hẹp, cầu yếu, không thể huy động máy ép cọc nặng hàng trăm tấn, nên trong quá trình thi công móng cọc đã phải đổi sang giải pháp khoan cọc nhồi. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của doanh nghiệp thì phần đào đúc móng của dự án này không vấn đề gì.
“Khó khăn không phải là phần đúc móng mà là vấn đề cấp cột thép. Một số nhà thầu cung cấp chậm, do sự chậm trễ trong tạm ứng, vận chuyển nhập khẩu kéo dài, với khối lượng lớn, 7 cột cần tới 41 container nên có thể ảnh hưởng tiến độ”, Phó Tổng giám đốc Lưu Việt Tiến nói.
Dự án NMNĐ Nam Định 1 – Thanh Hóa đang đẩy nhanh thi công phần móng để đến đầu tháng 4 có thể hoàn thành 100% số móng. Dự án này thực tế đến ngày 9/3 mới bàn giao được 34 cột/180 vị trí móng. Như vậy số móng đang chờ dựng cột là rất nhiều.
Điều phối linh hoạt
Để đáp ứng tiến độ dựng cột, kéo dây trong thời gian từ nay đến đầu tháng 4, các Ban Tiền phương của NPMB đã liên tục bám sát công trường, các nhà thầu cung cấp vật tư để có sự điều phối một cách linh hoạt, hợp lý.
Ông Võ Công Tài, Phó ban Tiền phương 1 NPMB, quản lý dự án NMNĐ Nam Định 1 – Thanh Hóa cho hay, Ban Tiền phương 1 quản lý gói thầu từ 40 đến 12, toàn bộ các vị trí hiện đã triển khai thi công đồng loạt, móng cơ bản đã hoàn thành. Theo tiến độ chung, móng cuối cùng sẽ phải hoàn thành giữa tháng 4, vị trí cuối cùng dựng cột hoàn thành khoảng giữa tháng 5 và công tác dựng cột kéo dây sẽ gối đầu nhau ở các vị trí đã hoàn thành. Hiện tại đơn vị thi công đang dựng 14 cột ở các vị trí xong móng sớm.
“Chúng tôi thường xuyên làm việc, đôn đốc các nhà thầu cung cấp cột thép đẩy nhanh tiến độ sản xuất, cung cấp tại công trường để vận chuyển tới các vị trí móng đã hoàn thành. Với số cột thép nhà thầu đã sản xuất cũng sẽ được chuyển dần xuống các vị trí móng để có thể đón đầu lắp ngay khi móng hoàn thiện, trên tinh thần không để móng chờ cột”, ông Võ Công Tài nói.
Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc EVNNPT cũng cho biết, các giải pháp hiện nay của Tổng công ty là sẽ chủ động rà soát từng đợt cột về của nhà thầu cung cấp, nếu cột nào cho các vị trí móng chưa hoàn thành thì điều động linh hoạt sang các vị trí móng xong trước; cùng đó đôn đốc nhà thầu huy động máy móc, cẩu để tăng tốc độ lắp dựng cột.
Thông tin tại công trường dự án NMNĐ Nam Định 1 – Thanh Hóa, ông Tiến cho biết thêm, theo tiến độ hết tháng 3 sẽ phải xong các vị trí móng bản, còn một vị trí móng cọc gặp khó khăn phải lùi sang đầu tháng 4. Vật tư cột thép sẽ tiếp tục chuyển về từ nay đến cuối tháng 4 phục vụ cho việc dựng cột kéo dài đến giữa tháng 5 sẽ hoàn thành và bước vào kéo dây.
“Hiện các ban tiền phương dự án đang tiếp tục làm việc với địa phương về bàn giao mặt bằng phần hành lang tuyến phục vụ cho kéo dây. Ước tính chậm nhất giữa tháng 5 phải xử lý dứt điểm hành lang tuyến để kéo dây”, lãnh đạo EVNNPT cho biết.
Với dự án TBA 500 kV Thanh Hóa – điểm trung chuyển kết nối giữa các dự án đường dây 500 kV mạch 3, đơn vị tư vấn giám sát cho biết, khối lượng san nền rất lớn, đến nay đã hoàn thành 121.500 m3, đạt trên 25%; dự kiến đến 30/5 đảm bảo xong phần san nền. Các hạng mục san nền được ưu tiên làm trước như: làm nhà điều khiển, đào móng, lắp máy biến áp, để đến giữa tháng 4/2024 lắp máy biến áp 500 kV. Các hạng mục phụ trợ chưa cần thiết có thể hoàn thiện sau.
Trong cung cấp vật tư, ông Võ Văn Tú, Phó ban điều hành dự án Quỳnh Lưu - Thanh Hóa CPMB, kiêm Tổ trưởng Tổ giám sát TBA 500 kV Thanh Hóa cho hay, các thiết bị nhất thứ, nhị thứ được sản xuất tại nước ngoài, vật liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ, nên có thể tiến độ cung cấp của nhà thầu thiết bị là Công ty cổ phần YOTEK và Công ty cổ phần Phát triển Kỹ thuật Công nghệ (EDH) trong tháng 5 sẽ khó đạt, còn 2 máy biến áp 500 kV, có thể được điều động trong nội bộ EVNNPT.
“Chúng tôi đưa ra phương án là có thể đóng điện TBA 500 kV Thanh Hóa theo sơ đồ tối thiểu vào tháng 6 để kịp tiến độ chung, tức là sử dụng các thiết bị nhất thứ, nhị thứ có trong kho, hoặc từ các dự án khác để lắp đặt. Khi nào thiết bị nhập khẩu về sẽ được lắp thay thế, bổ sung đồng bộ”, ông Tú thông tin.
Bài 4: Khó khăn không cản tiến độ