Tuy vậy, Giáo sư Jeremy Siegel vẫn mong muốn các nhà hoạch định chính sách của Fed cắt giảm lãi suất nhanh chóng và quyết liệt trong thời gian tới.
Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh thị trường đang lao dốc khi những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và các ý kiến cho rằng Fed đang quá chậm chạp trong việc nới lỏng chính sách khi lạm phát đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, kể từ sau đó tình hình có sự cải thiện và sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường vào ngày 8/8 dường như đã làm giảm bớt những quan ngại nói trên.
Ngày 31/7 vừa qua, Fed đã giữ nguyên lãi suất lần thứ 8 liên tiếp ở mức 5,25% -5,5%. Quyết định này nhanh chóng vấp phải những ý kiến trái chiều khi một báo cáo sau đó cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ gia tăng và hoạt động sản xuất của Mỹ bị thu hẹp.
Tuy nhiên, dữ liệu công bố ngày 8/8 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến trong tuần trước, cho thấy lo ngại về thị trường lao động đang suy yếu là quá mức. Ngoài ra, một chỉ số của lĩnh vực dịch vụ Mỹ được công bố vào đầu tuần này cũng tốt hơn dự kiến.
Thị trường dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9/2024 và có thể tiếp tục cắt giảm 1 điểm phần trăm vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, những dự báo đó vẫn tiếp tục thay đổi khi các nhà đầu tư chờ xem Fed quyết định tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức nào.
Sự suy giảm mạnh của thị trường việc làm ở Mỹ dẫn tới những phiên hỗn loạn trên thị trường chứng khoán toàn cầu cũng làm dấy lên suy đoán rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất mà không đợi đến cuộc họp dự kiến tiếp theo vào tháng 9/2024.
Ngày càng nhiều nhà phân tích đang dự đoán Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 9/2024. Nhưng rất ít người tin rằng Fed sẽ hành động sớm hơn.
Nhà kinh tế Kathy Bostjancic của tổ chức bảo hiểm tương hỗ Nationwide cho rằng dữ liệu kinh tế hiện tại không đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp giữa các cuộc họp và điều này sẽ chỉ gây ra một đợt hoảng loạn mới trên thị trường.
Ngay cả cựu Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York Bill Dudley, người đã kêu gọi ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất vào tuần qua trước cả khi dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên 4,3% trong tháng 7/2024, đã cho rằng việc cắt giảm lãi suất giữa các cuộc họp là “rất khó xảy ra”.
Trong những ngày kể từ khi tình trạng hỗn loạn bắt đầu, thị trường chứng khoán toàn cầu đã phần nào phục hồi. Một báo cáo ngày 8/8 cho thấy ít người Mỹ nộp đơn yêu cầu bảo hiểm thất nghiệp hơn đã làm giảm bớt phần nào sự quan ngại của thị trường.
Vào cuối tháng 8/2024, Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ có cơ hội đưa ra lộ trình cụ thể mà ông cho là cần thiết khi lãnh đạo các ngân hàng trung ương toàn cầu tham gia hội nghị chuyên đề kinh tế hàng năm của Fed tại thành phố Kansas ở Jackson Hole, Wyoming.
Hiện tại, nhiều ý kiến dự đoán ông Powell sẽ bỏ qua cú lao dốc vừa qua của thị trường chứng khoán và thực hiện theo những gì đã phát biểu tại cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày 30-31/7.
Trong những tuần tới, dữ liệu về việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế của Mỹ đều có thể ảnh hưởng đến mức độ cắt giảm lãi suất (0,25 điểm phần trăm hay lớn hơn) của Fed.
Trong khi đó, Chủ tịch chi nhánh của Fed ở Kansas, Jeff Schmid, ngày 8/8 cho rằng dữ liệu “đáng khích lệ” gần đây khiến ông tin tưởng hơn rằng lạm phát của Mỹ đang hạ nhiệt và đặt ra tiền đề cho việc giảm lãi suất của Fed. Ông Schmid lưu ý rằng giá cả có thể biến động và Fed cần “thời gian dài hơn” để chắc chắn diễn biến tiếp theo của lạm phát.
Tuy vậy, theo ông Schmid, nếu lạm phát tiếp tục ở mức thấp thì ông càng tin tưởng hơn về việc Fed đang đi đúng hướng để ổn định giá cả và khi đó là lúc thích hợp để cơ quan này điều chỉnh chính sách tiền tệ. Với lạm phát ở mức khoảng 2,5% và mục tiêu của Fed là 2%, Fed đã “gần đạt được mục tiêu”.
Về phần mình, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Richmond, Thomas Barkin ngày 8/8 cho biết các cuộc thảo luận của ông với những lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy thị trường lao động Mỹ đang hạ nhiệt là do hoạt động tuyển dụng chậm hơn thay vì tăng cường sa thải nhân sự, giúp Fed có thời gian để cân nhắc lộ trình của chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến mới đây do Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia tổ chức, ông Barkin tỏ ra khá lạc quan về khả năng lạm phát của Mỹ có diễn biến tích cực trong vài tháng tới. Ông Barkin lưu ý rằng giá cổ phiếu Mỹ sau đợt sụt giảm gần đây vẫn tăng khoảng 10% và diễn biến vừa qua của thị trường chứng khoán không quá nghiêm trọng. Vì vậy, ông Barkin cho biết hiện không thấy có nhiều khả năng Fed cắt giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại.