Cùng tham dự buổi làm việc có ông Kim Nguyen Van - Phó trưởng phòng Đông Á và Đông Nam Á, chuyên viên cao cấp của BMZ phụ trách chính sách đối với Việt Nam và ông Nguyễn Mạnh Hải - Tham tán phụ trách Xúc tiến đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại buổi làm việc, hai bên đã điểm lại quá trình hợp tác phát triển giữa Đức và Việt Nam, bao gồm cả tình hình triển khai các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của CHLB Đức dành cho Việt Nam trong thời gian gần đây.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Vũ Quang Minh đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự hỗ trợ to lớn của Chính phủ và nhân dân CHLB Đức dành cho Việt Nam thông qua các dự án phát triển hiệu quả, cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đã hỗ trợ hơn 10 triệu liều vaccine phục vụ công tác chống dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua.
Quốc vụ khanh Jochen Flasbarth nhiệt liệt chào mừng Đại sứ Vũ Quang Minh nhận nhiệm sở, chân thành chúc Đại sứ có một nhiệm kỳ thật thành công, đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam trong quá trình triển khai các dự án ODA của Đức tại Việt Nam và bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, trong đó có công cuộc phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Ông nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới, đặc biệt cần chung sức chuẩn bị tốt nhất để ngăn ngừa và sẵn sàng đối phó với những dịch bệnh mới có thể xảy ra, dựa trên kinh nghiệm phòng, chống COVID-19, và Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm, các cơ sở y tế có thể đảm nhận trọng trách điều phối và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hết sức quan trọng này.
Quốc vụ khanh Jochen Flasbarth nhấn mạnh trong bối cảnh mới của kinh tế-chính trị thế giới và khu vực, Đức và Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức mới, nhưng cũng có thêm cơ hội mới để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp, với lòng tin đã được thiết lập giữa hai nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, mở rộng các lĩnh vực hai bên còn nhiều tiềm năng và có khả năng bổ sung cho nhau như giáo dục đào tạo, dạy nghề, hợp tác lao động…
Ông cũng cho biết chuyển đổi năng lượng công bằng là một trọng tâm của hợp tác phát triển trong thời gian tới giữa Đức và Việt Nam, đồng thời hy vọng Việt Nam sẽ trở thành đối tác toàn cầu về chuyển đổi công bằng. Về phát triển xanh và năng lượng tái tạo, kinh nghiệm của Đức là cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi năng lượng càng sớm càng tốt, đặc biệt trong bối cảnh những cuộc xung đột hiện nay trên thế giới có nguy cơ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, kể cả cung ứng năng lượng, và cam kết chống biến đổi khí hậu rất mạnh mẽ của Đức và Việt Nam.
Về sử dụng ODA của Đức, phía Đức cho rằng nhìn chung đã có những tiến bộ đáng kể trong các văn bản chính sách mới về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA được ban hành gần đây ở Việt Nam. Tuy nhiên, những thủ tục xét duyệt và quy định về triển khai các dự án phát triển vẫn còn khá phức tạp, tốn thời gian và còn những điểm bất hợp lý cần phải cải thiện, đơn giản hoá và linh hoạt hơn để nguồn vốn ODA nói chung và từ Đức nói riêng có thể được sử dụng hiệu quả hơn nữa, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.