Dự kiến, trong tháng 5/2019 Đồng Nai sẽ áp dụng thí điểm quản lý đàn Te-Food đối với đàn lợn, sau đó sẽ triển khai tiếp đối với tất cả đàn gia súc, gia cầm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, trong tháng 5 tới, các hộ chăn nuôi, các trang trại sẽ được cung cấp phần mềm để người chăn nuôi khai báo. Mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ có 100% trang trại và 85% cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn báo cáo số liệu chăn nuôi, dịch bệnh qua phần mềm này. Đến cuối năm 2020, tất cả các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm báo cáo số liệu chăn nuôi, dịch bệnh qua phần mềm.
Theo Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Te-Food là phần mềm quản lý từ trang trại đến bàn ăn. Theo đó, đối với đàn lợn thương phẩm, phần mềm sẽ quản lý số lượng đàn đối với lợn thịt, lợn nái, lợn con. Về quản lý dịch bệnh, đối với lợn bị bệnh, người chăn nuôi sẽ báo cáo, qua đó áp dụng quy trình xử lý từ sát trùng chuồng trại, sử dụng vắc xin. Tiếp theo là quản lý truy xuất chuỗi cung ứng từ khi lợn được sinh ra đến khi tiêu thụ.
Ngoài ra, người chăn nuôi khi tham gia Te-Food sẽ được cập nhật toàn bộ các thông tin về giá lợn, giá thức ăn chăn nuôi, những thông tin về dịch bệnh. Đặc biệt, qua Te-Food, người chăn nuôi còn được nhà nước hỗ trợ kết nối các kênh tiêu thụ thịt và xây dựng thương hiệu.
Theo Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, qua Te-Food, các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ nắm được số lượng đàn, cập nhật chính xác số liệu về chăn nuôi; hỗ trợ nhận biết và kiểm soát dịch bệnh; kiểm soát từ khâu vận chuyển, thức ăn, giết mổ, tiêu thụ…
Theo kế hoạch, sắp tới người chăn nuôi lợn tại Đồng Nai sẽ được cung cấp miễn phí phần mềm trên điện thoại thông minh kết nối internet, sau khi hoàn tất khai báo thông tin, hệ thống sẽ cung cấp mã code để người chăn nuôi quản lý, sử dụng.