Nhờ điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển cây chè, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để đưa cây chè trở thành thế mạnh kinh tế, đóng góp tích cực vào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn với mục tiêu đến năm 2020 ổn định diện tích chè hơn 6.300 ha, sản lượng đạt 68.000 tấn chè búp tươi/năm.
Huyện cũng đặt mục tiêu diện tích chè giống mới chiếm trên 65%, chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP chiếm 20%, cùng đó là chè xanh đặc sản chất lượng cao được sản xuất, chế biến trên thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu.
Để hoàn thành các mục tiêu này, huyện đã xây dựng đề án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ chè huyện Đại Từ” với các nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Đại Từ đã tiến hành trồng mới, trồng thay thế hơn 1.200 ha bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao, xây dựng vườn chè giống tại xã Cát Nê, hỗ trợ các hộ làm chè, hợp tác xã, tổ hợp tác lắp đặt hệ thống tưới chè tiết kiệm, hệ thống tưới đơn giản để sản xuất chè vụ Đông, đưa diện tích sản xuất chè vụ Đông trong toàn huyện đạt hơn 1.000 ha.
Đặc biệt, trong hơn 3 năm qua, Đại Từ chú trọng kêu gọi thu hút đầu tư vào phát triển cây chè trên địa bàn với tổng kinh phí thu hút đầu tư cho phát triển cây chè đạt trên 29 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ từ ngân sách huyện trên 11 tỷ đồng, chủ yếu để hỗ trợ giống chè trồng mới, trồng thay thế, xây dựng các mô hình sản xuất chè VietGAP, chè vụ Đông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân...
Ngoài nguồn vốn của chương trình phát triển cây chè, nguồn trợ cấp ngân sách tỉnh, huyện đã sử dụng vốn hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, vốn chương trình 135 hỗ trợ bà con các loại máy móc phục vụ trong sản xuất chế biến chè; trong đó ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề sản xuất chè trên địa bàn...
Bên cạnh đó, Đại Từ cũng hỗ trợ người dân ở các xóm, bản chuyên canh cây chè xây dựng và phát triển làng nghề chè, gắn phát triển làng nghề với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết, hiện nay, việc phát triển cây chè được triển khai đồng bộ ở Đại Từ cả trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, giá trị sản phẩm chè.
Số lượng các làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến kinh doanh và tiêu thụ chè ngày càng tăng là cơ sở để nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi giá trị ngành chè của huyện.
Huyện đang từng bước khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chương trình phát triển cây chè trên địa bàn như: diện tích sản xuất chè an toàn đã được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP đạt thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề, hợp tác xã chè còn nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh, thiếu vốn, công nghệ...
Trong thời gian tới, Đại Từ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn, sản xuất chè theo hướng hữu cơ, khuyến khích hỗ trợ thành lập các hợp tác xã kiểu mới; liên kết giữa người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, ưu tiên phát triển sản xuất theo chuỗi...
Hiện toàn huyện đã có 38 làng nghề sản xuất, chế biến chè truyền thống được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận. Qua đó, nhiều vùng chè tập trung ở các xã: La Bằng, Yên Lãng, Tân Linh, Phú Lạc... đã trở thành những vùng chè tiêu biểu của tỉnh, mang lại thu nhập cho người trồng chè trên 100 triệu đồng/ha/năm.