Sở Công thương Hà Nội cho biết: Thành phố Hà Nội chính thức đưa 3 nhóm hàng ra khỏi chương trình bình ổn giá năm 2013, gồm: Thực phẩm chế biến, đường ăn và giấy vở học sinh. Giấy vở học sinh bị đưa ra khỏi chương trình bình ổn giá năm 2013. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Theo cơ quan này, chương trình bình ổn giá của thành phố thực hiện từ năm 2010 nhằm bình ổn giá đối với 10 nhóm hàng hóa, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu; từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, qua thực tế 3 năm thực hiện và căn cứ tình hình cung cầu hiện nay, 3 nhóm hàng trên không thực hiện cân đối cung cầu, ổn định giá cả do lượng hàng hóa dồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến. Vì vậy, năm 2013, thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn tự có chủ động thực hiện cân đối cung cầu, ổn định giá cả đối với 3 nhóm hàng này.
Như vậy, năm nay, thành phố Hà Nội tập trung đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định giá cả 7 nhóm mặt hàng thiết yếu, với số lượng gồm: Gạo tẻ 5.500 tấn; thịt lợn 900 tấn; thịt gà 450 tấn; trứng gia cầm 6 triệu quả; thủy hải sản 300 tấn; dầu ăn 1,5 triệu lít; rau củ tươi 2000 tấn. Tổng số vốn thực hiện chương trình bình ổn giá là 318 tỷ đồng, đáp ứng bình quân 10% so với nhu cầu tổng mức 7 nhóm mặt hàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bằng nguồn vốn tự có chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng được khoảng 20% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố trong một tháng.
Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thực hiện quay vòng vốn liên tục để luôn đảm bảo lượng hàng hóa dự trữ tương ứng với số vốn được tạm ứng trong suốt quá trình tham gia chương trình của Thành phố. Nguồn vốn tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính thành phố với thời gian thực hiện từ tháng 5/2013 đến hết tháng 4 năm 2014.
Đinh Thị Thuận