Sau gần 20 lần dự thảo, bản cuối cùng Nghị định quản lý kinh doanh vàng miếng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi tới một số bộ, ngành, doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề từ cuối tuần qua để hoàn tất khâu lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, chậm nhất trong tháng 6.
Theo dự thảo này, quyền mua bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân vẫn được thừa nhận, chứ không phải giao dịch một chiều (chỉ bán mà không được mua) như ý tưởng đưa ra trước đây. Tuy nhiên, các giao dịch này phải thực hiện tại ngân hàng và doanh nghiệp được NHNN cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng. Đặc biệt, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cũng được cho là hành vi vi phạm. Ngay cả sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ cũng là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân phải thành lập doanh nghiệp và được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế hiện nay, khi nhiều giao dịch giá trị lớn như nhà đất được các bên thanh toán hoặc tính theo vàng.
Sau khi dự thảo đưa ra, hoạt động mua bán vàng tại thị trường TP.HCM đã sôi động và cởi mở hơn. Theo đó, lúc gần 10 giờ sáng ngày 21/6, vàng miếng các thương hiệu có giá phổ biến trên 38 triệu đồng/lượng (mua vào) và hơn 38,1 triệu đồng/lượng (bán ra). Cụ thể, vàng SBJ được Công ty Sacombank-SBJ báo giá mua – bán ở mức 38,05 triệu đồng/lượng và 38,11 triệu đồng/lượng. Công ty SJC áp dụng giá vàng SJC ở mức 38,05 triệu đồng/lượng và 38,12 triệu đồng/lượng. So với cuối giờ chiều ngày 20/6, giá vàng tăng thêm 50.000 đồng/lượng.
Đáng chú ý, lực bán vàng ra đã tăng đáng kể khi giá vàng lập đỉnh kể từ đầu tháng 5 vào ngày 20/6, phần lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ mang vàng đi bán chốt lời. Trong khi đó, lực mua tiếp tục ở mức thấp bất chấp những dự báo về khả năng tiếp tục tăng giá của vàng quốc tế. Theo Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), ngày 20/6, giao dịch mua vào – bán ra tại đơn vị này tương ứng mức 1.600 – 400 lượng. Tương tự, SJC và SBJ giao dịch cũng trên 2.000 lượng/ngày.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó TGĐ Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, cho rằng: “Mua vàng, tích trữ vàng vừa là thói quen vừa là kênh đảm bảo an toàn vốn của cá nhân, gia đình. Vì thế, sau khi dự thảo đưa ra, nhiều nhà đầu tư đã xóa bỏ được tâm lý, thị trường vàng đã có sự cải thiện”. Cũng theo bà Cúc, nếu dự thảo này được thông qua, sẽ khiến kinh doanh trên thị trường vàng vật chất sòng phẳng hơn, nhất là vấn đề vốn và đóng thuế. Bởi hiện nay, việc đóng thuế của doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn theo hai dạng: thuế khoán và thuế theo kê khai. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ thiệt thòi vì bán 1 chỉ vàng cũng bị tính thuế bằng bán hàng lượng vàng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty vàng Vina, lo ngại: “Dự thảo này chẳng có điểm gì khác so với tình hình quản lý kinh doanh vàng miếng hiện nay, có chăng chỉ thu hẹp doanh nghiệp được phép bán vàng miếng. Nếu dự thảo được thực thi, sẽ bóp méo thị trường và sinh ra cơ chế độc quyền trong kinh doanh vàng miếng, vì chỉ tốt cho doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng, còn giao dịch nói chung không khác nhiều so với hiện nay”. Như vậy, việc quản lý vàng sẽ khó khăn hơn vì các công ty lớn được cấp phép sẽ sinh ra độc quyền, còn các công ty nhỏ sẽ làm dạng nhẫn khoen để bán. Chưa kể, do được cấp phép, các công ty lớn sẽ xuất, nhập khẩu và bán với giá không phù hợp với giá thị trường, giá vàng sẽ “méo” đi và lúc này lợi nhuận, thị trường sẽ nằm trong tay doanh nghiệp lớn.
TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng để quản lý thị trường vàng tốt hơn, cần quản lý theo kiểu chứng chỉ vàng (vàng giấy) và mua bán tập trung. Bởi dù quản lý vàng theo mô hình nào, thì mục đích chính vẫn là phải đưa vàng vào đầu tư, dự trữ chứ không phải đóng vai trò thanh toán. Bên cạnh đó, phải chống được tình trạng nhập vàng, găm vàng đầu cơ. Vì thế, trước mắt dự thảo này đã đáp ứng một phần nào mục đích, tạo tâm lý an tâm cho nhà đầu tư, tránh được những phản ứng gay gắt như các dự thảo trước đây.
Hải Yên