Cụ thể, báo cáo của IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2018 và 2019 sẽ được duy trì ở mức tương ứng là 1,3 triệu thùng/ngày và 1,4 triệu thùng/ngày. Việc thị trường dầu mỏ toàn cầu đạt thặng dư khi sản lượng dầu mỏ toàn cầu trong quý I/2019 được dự báo đạt mức trung bình 2 triệu thùng/ngày. Mỹ được dự báo là quốc gia có mức tăng trưởng sản lượng dầu mỏ cao nhất thế giới với sản lượng tăng thêm trong năm 2018 và 2019 lần lượt là 2,1 triệu thùng/ngày và 1,3 triệu thùng/ngày so với năng suất kỷ lục hiện nay là 11 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng dầu thô của các nước thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 10/2018 đạt 32,99 triệu thùng/ngày, tăng 240.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo trên, IEA cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của các nước không phải là thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), vốn là nhóm các nước góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Theo IEA, tăng trưởng kinh tế của một số nước giảm sút do tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc chính là yếu tố làm giảm sút nhu cầu tiệu thụ dầu mỏ ở những nước này.
Báo cáo trên được công bố vào thời điểm Saudi Arabia đang hối thúc các nước OPEC cắt giảm sản lượng khai thác 1 triệu thùng/ngày để thị trường dầu mỏ đạt trạng thái cân bằng, hạn chế tác động đến giá dầu hiện nay. Từ đầu tháng 10/2018, giá dầu đã giảm 25% xuống dưới mức 70 USD/thùng - mức thấp nhất trong 8 tháng qua.