Theo TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Giám đốc dự án GGSF: Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Vương quốc Bỉ, giữa năm 2013, dự án GGSF được triển khai tại 6 tỉnh là: Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Dự án nhằm giới thiệu những nỗ lực và kết quả chính, bài học kinh nghiệm và giải pháp để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách và huy động nguồn lực liên quan đến tăng trưởng xanh.
Thông qua thực hiện GGSF, Việt Nam dự định thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đạt mức sử dụng các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, hình thành cơ cấu kinh tế có hiệu quả tổng hợp kinh tế, xã hội và môi trường cao, áp dụng ngày càng nhiều công nghệ xanh, hình thành lối sống xanh và tiêu dùng bền vững, góp phần cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân.
Theo bà Anh Thư, điều phối viên của dự án tại Ninh Thuận, tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, dự án GGSF đã triển khai mô hình tưới nước nhỏ giọt trong nông nghiệp, lắp đặt tuyến đường ống lấy nước từ hồ nước ngọt đưa về khu tưới cho diện tích trồng 30 ha nho xã Vĩnh Hải. Hiệu quả của mô hình mang lại là tiết kiệm nước, phân bón, nhân công, điện (giảm 90% về nhân công), năng suất nho tăng lên. Từ đó đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Còn tại Hà Tĩnh, nhờ có dự án GGSF tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất nấm và sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế thải ngành nông nghiệp nhằm xanh hóa trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Trần Đình Quang, điều phối viên của dự án tại Hà Tĩnh cho biết: Hiệu quả kinh tế mang lại bình quân mỗi mô hình thực hiện dự án có thu nhập từ 5 - 6 tấn sản phẩm nấm/vụ, doanh thu khoảng 150 - 180 triệu đồng, thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Sản xuất được hàng chục tấn phân vi sinh tiết kiệm từ 20 - 25% chi phí.
5 kết quả chính của Dự án GGSF là: Hỗ trợ thiết kế và xây dựng các sáng kiến xanh; năng lực lãnh đạo về tăng trưởng xanh được nâng cao; các dự án thí điểm tại địa phương được hỗ trợ mạnh mẽ; thông qua cơ chế kêu gọi đề xuất các hoạt động tăng trưởng xanh khác được hỗ trợ trên toàn quốc; các mô hình thực hiện thành công được phổ biến và nhân rộng.
Bà Krista Verstraelen, Trưởng đại diện Cơ quan Phát triển Bỉ cho rằng sau hơn 5 năm thực hiện, dự án GGSF đã đạt được những kết quả quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh cấp quốc gia và một số địa phương.