Đồng yen mất giá - 'Đòn đánh' khó đỡ

Sự mất giá của đồng yên báo hiệu cho một chuyển biến kinh tế mang tính đột phá của Nhật Bản, nhưng với nước láng giềng Hàn Quốc, sự thực này không dễ chịu chút nào.

Vào sáng 10/5, lần đầu tiên trong 4 năm, đồng yên Nhật đã rớt giá giảm xuống mức 100 yên đổi 1 USD. Nếu tính từ đầu năm tới nay, đồng yên Nhật đã giảm giá 16% so với đồng USD. Ảnh hưởng từ việc đồng nội tệ mất giá đang lan tỏa trong nền kinh tế “đất nước mặt trời mọc”, đẩy giá hàng hóa và khí đốt nhập khẩu gia tăng. Đồng thời, du khách nước ngoài cũng đổ tới “xứ sở hoa anh đào” nhiều hơn bởi đồng tiền của họ giờ có thể mua được nhiều thứ hơn ở đây.


Đồng yên Nhật đang rớt giá mạnh trong 4 năm trở lại đây. Ảnh: Internet.


Ngoài ra, đồng yên mất giá cũng giúp các nhà xuất khẩu Nhật Bản tăng cường doanh thu và nâng cao lợi nhuận nhờ cạnh tranh được tốt hơn trên thị trường toàn cầu. Nhưng quan trọng hơn cả, sự mất giá của đồng yên được dự báo là có thể giúp Nhật đảo ngược tình trạng tăng trưởng trì trệ, nhu cầu yếu và giá cả suy giảm diễn ra trong hơn hai thập kỷ qua. Vì vậy, nhiều công ty của Nhật Bản rất hứng khởi trước sự giảm giá của đồng nội tệ.


Tuy nhiên, đối với nước láng giềng Hàn Quốc, việc đồng tiền của Nhật Bản phá mốc 100 yên đổi 1 USD, khó có thể coi là một tin tốt lành bởi nó sẽ đánh mạnh vào xuất khẩu của nước này, nhất là trong lĩnh vực gang thép, xe hơi, chất hóa thạch (petrifaction) và điện tử gia dụng. Theo Viện Nghiên cứu Hyundai (HRI) của Hàn Quốc, khi đồng yên rớt xuống mốc 100 yên đổi 1 USD, tổng lợi nhuận xuất khẩu của các doanh nghiệp nước này sẽ giảm 3,4%. Trong trường hợp đồng yên rớt xuống mốc 110 yên đổi 1 USD, tỉ lệ này sẽ là 11,4%. Một vấn đề đáng quan tâm khác là việc đồng yên mất giá sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của doanh nghiệp vì họ lo ngại tình hình sẽ tiếp tục xấu đi.


Số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2013 của nước này đạt 181,7 tỉ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2012. Nhưng xuất khẩu của Hàn Quốc sang các thị trường mới nổi về cơ bản đều giảm. Trong đó, đáng chú ý là hai mặt hàng gang thép và xe hơi. Cụ thể: Xuất khẩu xe hơi quý I/2013 của Hàn Quốc đã giảm 3,6% so với cùng kỳ còn xuất khẩu gang thép thì giảm mạnh hơn, ở mức 14,5%.


HSI cho rằng đồng yên mất giá giáng đòn mạnh nhất vào ngành gang thép của Hàn Quốc, kế đó là lĩnh vực sản xuất, chế biến chất hóa thạch và hàng cơ khí. Trong một phát biểu được tờ Tin tức Thế giới dẫn lời, người phát ngôn của hãng xe hơi Hyundai cho biết việc đồng yên mất giá kỳ thực đã khiến họ “bị thương nặng”. Rõ ràng, xe hơi của Nhật Bản rất có ưu thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm. Giờ đây, khi đồng yên mất giá, sức cạnh tranh của xe hơi của Nhật Bản càng mạnh hơn, càng gây bất lợi cho ngành sản xuất xe hơi của Hàn Quốc.


Nhưng, đối với ngành công nghệ thông tin và đồ điện gia dụng, tác động của việc đồng yên mất giá được dự báo là không quá lớn bởi vì các hãng của Hàn Quốc như Samsung và LG đều có ưu thế về công nghệ và sản phẩm hơn các đối thủ Nhật Bản. Người phát ngôn hãng LG cho biết do hãng này tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất ở nước ngoài, cho nên, rủi ro từ việc đồng yên giảm giá đối với hãng là không quá lớn.


Đứng trước rủi ro từ việc đồng yên giảm giá, nhiều nhà phân tích cho rằng Hàn Quốc ở thế “lực bất tòng tâm”, chỉ có thể chờ đợi đà giảm của đồng yên ngưng lại và chính phủ cần ra tay trợ giúp các doanh nghiệp bị tổn hại. Tuy nhiên, có chuyên gia lại nhấn mạnh Hàn Quốc cũng có thể giảm giá đồng won của mình để tìm kiếm ưu thế cạnh tranh trong xuất khẩu. Nhưng vấn đề là nếu đồng won giảm giá, tình hình lạm phát sẽ xấu đi, đánh mạnh vào tiêu dùng trong nước và gây tổn hại đối với nền kinh tế. Do đó, về dài hạn, theo HSI, giới doanh nghiệp Hàn Quốc phải tăng cường sức cạnh tranh về khoa học công nghệ, nâng cao giá trị thương hiệu và đa nguyên hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp dân doanh cũng cần phải nâng cao năng lực phòng thủ đối với các diễn biến bất lợi của thị trường.



Thành Nam

Công dân Nhật sẽ được 'gắn' mã số dữ liệu
Công dân Nhật sẽ được 'gắn' mã số dữ liệu

Theo kế hoạch, mỗi công dân Nhật Bản sẽ được Chính phủ quy định một mã số sẽ tích hợp đầy đủ dữ liệu về thu nhập, bảo hiểm xã hội, thông tin về thuế và tất cả thông tin liên quan khác kể từ tháng 1/2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN