Để đảm bảo an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, chính quyền địa phương đã quản lý, có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo việc thu hoạch lúa của người dân được diễn ra kịp thời, hạn chế được thất thoát, tồn đọng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa Hè Thu, toàn tỉnh xuống giống 187 nghìn ha, đến nay đã thu hoạch trên 180 ha (đạt 96,2%), năng suất bình quân hơn 62 tạ/ha. Ước tính đến cuối tháng 9/2021, nông dãn sẽ thu hoạch hơn 7.000 ha còn lại. Riêng đối với vụ Thu Đông, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 107 nghìn ha (đạt 89,9% so với kế hoạch), đến nay huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Lấp Vò và thành phố Cao Lãnh đã thu hoạch trên 2.091 ha, năng suất bình quân đạt gần 51,5 tạ/ha.
Hiện nay, giá bán lúa nhóm lúa thường 4.600 đồng/kg (giảm 400 đồng/kg so cùng kỳ), lúa nếp khoảng 4.500 đồng/kg (giảm 1.500 đồng/kg so cùng kỳ), lúa chất lượng cao từ 5.300 - 6.100 đồng/kg (ở mức tương đương đến cao hơn cùng kỳ 300 đồng/kg). Qua đánh giá của ngành nông nghiệp, đối với cây lúa nói riêng, ngành trồng trọt nói chung, dịch COVID-19 đã làm đứt gãy và thay đổi chuỗi cung ứng hàng hóa, gián tiếp làm tăng chi phí logistics kéo theo tăng giá nguyên, vật liệu đầu vào sản xuất, như phân bón tăng từ 20 - 50%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 10 - 20% so đầu năm và gặp khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ kéo theo giá bán nông sản giảm nên người sản xuất lợi nhuận bị giảm so cùng kỳ.
Để quản lý lực lượng lao động trong quá trình thu hoạch, tiêu thụ, vận chuyển lúa trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh như huyện Cao Lãnh, huyện Tháp Mười... đã cho test nhanh COVID-19 hoặc xét nghiệm RT-PCR nên đảm bảo được phòng, chống dịch bệnh, đồng thời, thực hiện đầy đủ theo quy trình hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
Vì vậy, lúa trên đồng được thu hoạch kịp thời, hạn chế được thất thoát, tồn đọng trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đặc biệt đối với các nông dân có ký hợp đồng tiêu thụ lúa với doanh nghiệp thì an tâm đầu ra, điều này cho thấy sản xuất có liên kết luôn mang lại lợi ích cho nông dân.