Đồng ruble Nga còn tiếp tục mất giá

Hãng tin BBC dẫn lời các chuyên gia cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục chi phối tỷ giá của đồng ruble Nga so với các ngoại tệ khác. Đồng euro trên thị trường giao dịch Moskva ngày 7/8 lần đầu tiên kể từ tháng 3 đã vượt ngưỡng 70 ruble/euro, còn đồng USD cũng lần đầu tiên kể từ tháng 2 vượt ngưỡng 64 ruble/USD.

Yếu tố chính gây áp lực lên đồng tiền Nga là giá dầu mỏ lần đầu tiên kể từ tháng 1 đã hạ xuống dưới mức 50 USD/thùng đối với dầu Brent Biển Bắc. Trong tháng 7, giá dầu Brent đã giảm 10 USD (khoảng 16%). Các chuyên gia phân tích của ngân hàng Sberbank SIV trong đánh giá về thị trường thường nhật của mình viết: "Đồng ruble có vẻ như đã không thể chịu nổi cú đòn do giá dầu giảm".

Họ cho rằng mối quan hệ giữa giá dầu và tỷ giá hối đoái tiếp tục mang tính chi phối, góp phần làm tăng biến động trên thị trường tiền tệ. Theo các nhà phân tích, có thể dự đoán "tỷ giá giữa đồng USD với đồng ruble sẽ còn tăng hơn nữa".

Đồng ruble có vẻ như đã không thể chịu nổi cú đòn do giá dầu giảm.


Trước đó, các chuyên gia Trường Kinh tế Cao cấp của Nga đã đề cập tới tình trạng thiếu ngoại tệ do vòng xoáy suy yếu mới của đồng ruble. Tác giả của báo cáo "Bình luận về nhà nước và doanh nghiệp" công bố ngày 5/8 cho rằng: "Do yếu tố mùa vụ, thặng dư tài khoản vãng lai trong giai đoạn này (tháng 8-9), theo ước tính của chúng tôi, chỉ là 5 tỷ USD, trong khi nợ nước ngoài cao hơn 4 lần (giai đoạn thanh toán đỉnh điểm là vào tháng 9 với 14 tỷ USD).

Tiến trình tích lũy ngoại tệ của doanh nghiệp và ngân hàng có thể đã bắt đầu, và Ngân hàng Trung ương Nga một lần nữa có thể phải đối mặt với tình thế khó khăn hoặc thả nổi đồng ruble, như vào cuối năm ngoái, hoặc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ bằng dự trữ tích lũy". Tổng nợ nước ngoài của các công ty Nga tính tới cuối quí II/2015 ước tính vào khoảng 362 tỷ USD.

Vào thời điểm 15h30 ngày 9/8 giờ Moskva (19h30 giờ Hà Nội), giá một thùng dầu thô Brent tại thị trường kỳ hạn ICE Futures ở London giao dịch ở mức 49,31 USD (giảm 0,34% so với mức giá mở cửa). Thậm chí các thống kê có lợi từ Mỹ ngày 4/8 cũng không thể nâng đỡ giá dầu. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu tuần trước đó của nước này đã giảm 4,4 triệu thùng, trong khi các nhà phân tích dự báo dự trữ giảm 1,44 triệu thùng.

Vấn đề chính ảnh hưởng đến giá dầu là tình trạng sản xuất dư thừa trên thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong quý II năm nay, sản lượng dầu thế giới ở mức 96,39 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu thực tế là 93,13 triệu thùng/ngày. Một nhân tố khác là tình trạng kinh tế Trung Quốc suy thoái và hệ quả từ cuộc cách mạng dầu từ đá phiến tại Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, Chủ tịch công ty tư vấn Lipow Oil Associates, ông Andy Lipo nhận xét: "Chúng ta đang chứng kiến thành công to lớn trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ, đó là việc đẩy mạnh khai thác nhanh hơn nhiều so với mức thị trường có thể tiêu thụ. Trên thực tế, nhu cầu dầu mỏ thế giới đang tăng và sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2016. Tuy nhiên, để tiêu thụ lượng dầu thô cung cấp cho thị trường cần phải có thời gian".


TTK
 Đồng ruble lại mất giá và những hệ lụy với nền kinh tế Nga
Đồng ruble lại mất giá và những hệ lụy với nền kinh tế Nga

Tổng thống Nga đã kêu gọi các doanh nghiệp địa phương hãy tận dụng lợi thế đồng ruble yếu để mở rộng sản xuất, thay thế nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN