Việt Nam – Anh là hai nền kinh tế bổ trợ cho nhau và còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư; đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng, tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng trong ngành công nghiệp, năng lượng và xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản. Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo “Khai thác các tiềm năng thị trường vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA)” do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, ngày 23/6.
UKVFTA phát huy hiệu quả
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định UKVFTA có hiệu lực từ đầu năm 2021 đã tạo động lực cho hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia trong bối cảnh thế giới nhiều biến động bất lợi. Năm 2021, bất chấp đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại Việt Nam – Anh ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%, xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%. Trong 5 tháng đầu năm 2022, do vẫn còn chịu các tác động của đại dịch COVID -19 và tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của 2021.
Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 5/2022, Anh có 462 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực đạt 4,15 tỷ USD. Các lĩnh vực được đầu tư nhiều tại Việt Nam là công nghiệp chế biến chế tạo với 120 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là kinh doanh bất động sản với 23 dự án, tổng vốn đầu tư 1,04 tỷ USD, chiếm 26% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ 3 với 7 dự án, tổng vốn đăng ký 701,44 triệu USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư. Các dự án còn lại thuộc các lĩnh vực khác như: Bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Cấp nướcvà xử lý chất thải; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo…
Ông Chris Milliken, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Anh tại Việt Nam (Britcham) khẳng định, mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và Anh ngày càng gắn kết. Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng trên toàn cầu, tăng trưởng giao thương giữa hai nước vẫn đạt mức 2 chữ số. Hiện nay, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đang dần có dấu hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch COVID-19. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam và Anh.
Theo ông Chris Milliken, hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai nước sẽ còn tiến xa hơn nữa bởi cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau. Trong khi Anh có thế mạnh về phát triển công nghiệp chế tạo, dược phẩm, các hoạt động nghiên cứu phát triển thì Việt Nam đang dần trở thành nhà cung ứng các sản phẩm tiêu dùng, nông, lâm và thuỷ sản của khu vực cũng như thế giới.
Ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh tại Tp.Hồ Chí Minh, Giám đốc thương mại và đầu tư Anh tại Việt Nam chia sẻ, sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm của Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều ở các hệ thống siêu thị tại Anh. Không chỉ nông sản, thuỷ sản mà các sản phẩm lâm sản, đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Anh cũng đang tăng trưởng tốt. Hiệp định UKVFTA có hiệu lực đã hỗ trợ cắt giảm rất nhiều dòng thuế quan cho các sản phẩm xuất khẩu của hai bên vào thị trường của nhau; trong đó, các sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hạt điều đã tận dụng khá tốt các ưu đãi này. Việt Nam hiện là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều nhất vào Anh. Trong khi đó, hạt điều Việt Nam hiện chiếm tới 90% lượng hạt điều tiêu thụ tại Anh.
Nâng cao hiệu quả thương mại – đầu tư
UKVFTA có hiệu lực vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thương giữa Việt Nam – Anh, hiện nay dịch COVID-19 đã được kiểm soát cũng là lúc hai bên cần thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư để khai thác hiệu quả các ưu đãi của hiệp định.
Ông Tạ Hoàng Linh thông tin, Anh là quốc gia có nền công nghiệp công nghệ cao phát triển, đặc biệt là công nghệ về năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, tiết kiệm năng lượng. Với việc quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại hai nước được đưa lên mức cao nhất trong thời gian gần đây với hàng loạt các chuyến thăm cấp cao, các hợp đồng kinh tế hàng tỷ đô được ký kết và việc đầu tư kinh doanh lớn, bài bản của các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Anh, đồng thời tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp, năng lượng của Anh.
Ông Chris Milliken cho biết, những biến động thời kỳ hậu COVID 19, dẫn đến cấu trúc kinh tế thế giới có những thay đổi căn bản, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp Anh hướng sự quan tâm của mình tới những nền kinh tế mới nổi, tăng trưởng khá ổn định và bền vững; trong đó, có Việt Nam.
Theo ông Chris Milliken, Việt Nam hiện tại đang khá cởi mở để tiếp nhận các giải pháp công nghệ giúp xây dựng nền tảng năng lượng tái tạo của mình. Đây lại là lĩnh vực mà Anh những năm gần đây đã tập trung phát triển, có nhiều thế mạnh. Tại Việt Nam, đi đầu trong hợp tác tại lĩnh vực này là những doanh nghiệp lớn về năng lượng của Anh như của Tập đoàn Shire Oak International với nhiều dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Tập đoàn Enterprise Energy đang đầu tư dự án Thăng Long wind ngoài khơi mũi Kê Gà- Bình Thuận, Tập đoàn Main Stream đang đầu tư dự án điện gió Phú Cường Sóc Trăng…
Ông Hoàng Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc điều hành Bộ phận tư vấn thuế và hỗ trợ doanh nghiệp KPMG Việt Nam chia sẻ, nhà đầu tư nước ngoài chú ý về khả năng cạnh tranh chi phí lao động, chính sách thu hút và sự thân thiện của môi trường đầu tư. Việt Nam cũng có ưu thế về kinh tế chính trị ổn định để doanh nghiệp yên tâm yên tâm lâu dài. Riêng nền tảng kinh tế Việt Nam - Anh có sự bổ sung cho nhau. Do đó ngày càng có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư vào các ngành chủ lực như hạ tầng, năng lượng, thương mại điện tử, bán lẻ hiện đại, chăm sóc sức khoẻ…
Về thương mại, Việt Nam có lợi thế sản xuất nông sản đa dạng; trong đó, có nhiều nhóm hàng mà Anh có nhu cầu lớn chính là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm việt Nam tận dụng được ưu đãi từ UKVFTA.
Ông Oliver Todd nhấn mạnh, Anh có chiến lược thương mại toàn cầu, không tập trung vào một vài thị trường nhất định nhưng Việt Nam được xác định là đối tác thương mại rất quan trọng, là điểm sáng trong quan hệ hợp tác của Anh với các nước Đông Nam Á. Việt Nam đang có lợi thế trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và Anh mong muốn gia tăng kim ngạch thương mại hai nước; đồng thời giới thiệu, khuyến khích các nhà đầu tư Anh đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Oliver Todd, tiêu chuẩn hàng hoá của thị trường Anh khá khắt khe, sản phẩm muốn tiếp cận thị trường Anh phải đáp ứng các điều kiện về tính minh bạch thông tin, đảm bảo được sản xuất trên quy trình phát triẻn bền vững, người tiêu dùng Anh cũng rất quan tâm đến các giá trị về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường của nhà sản xuất. Tuy nhiên, khi sản phẩm đã đủ điều kiện vào Anh thì doanh nghiệp có thể dễ dàng xuất khẩu đi hầu hết các thị trường khác trên thế giới. Do đó, doanh nghiệp đầu tư sản phẩm chất lượng không chỉ tận dụng được các ưu đãi từ UKVFTA mà còn có thể mở rộng thị trường tiêu thụ rất hiệu quả.