Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10:

Động lực của nền kinh tế

Ngày 13/10/1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư gửi giới công thương Việt Nam. Bức thư của Bác có thể coi như văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân.

Từ ý nghĩa đó, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký quyết định chọn ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

“Việc nước đi đôi việc nhà”

Trong thư giới công thương Việt Nam ngày 13/10/1945, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng… Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.

Ngày 11/10, tại Lễ phát động phong trào thi đua ”Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và Phát triển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân tiêu biểu. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Về nội dung bức thư, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích: Xác định việc nước, việc nhà phải đi đôi với nhau, đó là lời dạy rất quan trọng của Bác đối với doanh nhân trong sự nghiệp làm giàu, trong việc phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, là yêu cầu cơ bản của đạo đức, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Ngày nay, đội ngũ doanh nhân nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trên cả nước. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội như: tặng quà cho gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó, tham gia xây dựng các công trình công ích xã hội… Với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân nước ta đã tạo nên động lực to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển

Cũng trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam ngày 13/10/1945, Bác viết: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này”.

"Có thể nói rằng, hai chữ 'đắt' nhất chính là 'tận tâm'", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc có lần phân tích với báo giới. Trong lúc nền độc lập còn “trứng nước”, Bác hiểu hơn ai hết vai trò của một “nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng", điều kiện cần để chế độ chính trị non trẻ mới được thiết lập có cơ hội trụ lại giữa áp lực từ nhiều phía. Như vậy, Bác đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân và Chính phủ, cơ quan công quyền phải có trách nhiệm đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.

Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng và Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh như: Thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh lành mạnh...

Trong phát biểu nhậm chức sau khi tái đắc cử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sẽ tạo tiền đề cả vật chất lần tinh thần để xây dựng thành công Chính phủ kiến tạo trên quy mô toàn quốc. Hai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP (ngày 28/4/2016) và 35/NQ-CP (ngày 16/5/2016) do Chính phủ ban hành đã khẳng định quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp, đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp nước nhà.

Ngày 3/10/2016, trong cuộc gặp doanh nghiệp (DN), doanh nhân TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, phát triển DN, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đồng thời đã, đang và cam kết sẽ tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô, tạo môi trường lành mạnh và động lực cho phát triển kinh tế; bổ sung, hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN, doanh nhân, nhất là DN tư nhân, DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, không ngừng phát triển, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Trọng trách trên vai

Ngày 7/10/2016, trong lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, trong thời kỳ đất nước đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân cần tiếp tục xây dựng chiến lược hội nhập, đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư; chăm lo ổn định cuộc sống cho người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ với đất nước; giữ gìn uy tín đối với quốc tế, tích cực tham gia công tác cộng đồng và an sinh xã hội...

Để đón đầu cơ hội, vượt qua thách thức, hội nhập thành công, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ và lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp mà các doanh nghiệp, doanh nhân cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch nước yêu cầu đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải thật sự là “những người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế”; có trình độ, kiến thức toàn diện, phẩm chất đạo đức, ý thức công dân và tinh thần dân tộc; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, quan hệ lao động hài hòa, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội; bảo đảm doanh nghiệp phát triển bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của người lao động không ngừng được nâng cao. Nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của doanh nhân Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.
P.V
TGĐ Tân Á Đại Thành nhận giải doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016
TGĐ Tân Á Đại Thành nhận giải doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016

Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành - ông Nguyễn Duy Chính vừa vinh dự được nhận giải thưởng Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu toàn quốc năm 2016 do Hội đồng thi đua khen thưởng Trung Ương & Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN