Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó - Bài cuối: Đón thời cơ, phục hồi sản xuất

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của tỉnh Bắc Ninh, năm cuối của kế hoạch 5 năm 2016-2020, chuẩn bị tạo đà phát triển để thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, chiến lược 10 năm 2021-2030.

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, dịch COVID- 19 xuất hiện với nhiều diễn biến khó lường, tác động sâu rộng đến hầu hết các ngành kinh tế và các mặt của đời sống xã hội, đặc biệt hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tỉnh Bắc Ninh đã sớm vào cuộc, đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhiệm vụ kinh tế, xã hội đã đề ra.

Giữ vững đà tăng trưởng
 
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID– 19, tuy nhiên Bắc Ninh vẫn vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất với nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội với nhiều tín hiệu lạc quan.

Cụ thể, hết quý I năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 ước đạt trên 31.578 tỷ đồng, tăng 5,9% so với quý I năm 2019; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 7,9%, chủ yếu giảm ở ngành chăn nuôi do tái đàn chậm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,2%; khu vực dịch vụ tăng 0,4%.

Chú thích ảnh
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất điện tử PBC Cát Tường, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Khu vực sản xuất công nghiệp duy trì sự phát triển, đạt được nhiều chỉ tiêu khả quan. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I năm 2020 tăng 3,2% so với quý trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,2% so với quý trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số ngành chủ lực của tỉnh có tỷ trọng lớn và tăng cao như sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, dệt may, sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất sản phẩm điện tử. Hoạt động ngoại thương tăng cao, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt trên 8.000 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước đạt gần 6.900 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ.
 
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển ổn định của một số lĩnh vực, ngành hàng, dịch bệnh COVID- 19 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao thương, dịch vụ, thương mại tiêu biểu như dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và vui chơi giải trí. Quý I năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Bắc Ninh ước đạt trên 16.700 tỷ đồng, giảm 6,3% so quý trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 13.182 tỷ đồng, giảm 4,1% so với quý trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ. Cùng với đó, doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống du lịch lữ hành, dịch vụ tiêu dùng khác cũng giảm mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm 2019 trên 10%. Cá biệt, doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 38,1% so với quý trước và giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2019. 

Ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là giao thông vận tải. Quý I/2020, khối lượng vận chuyển ước đạt 7,6 triệu hành khách, giảm 29,6% so với quý trước và giảm 9% so với cùng kỳ, doanh thu vận tải hành khách ước 342,6 tỷ đồng. Đối với loại hình vận tải hàng hóa, khối lượng vận chuyển ước đạt 6,9 triệu tấn hàng hóa, giảm 28% so với quý trước và giảm 16,5% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 628 tỷ đồng…
 
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 9.168 tỷ đồng, đạt 31,3% dự toán năm và giảm 2,7% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa trên 7.500 tỷ đồng, chiếm 82,6%, đạt 33,3% dự toán và giảm 4,3% so với cùng kỳ; thu hải quan ước đạt 1.591 tỷ đồng, đạt 24,2% dự toán và tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 4.500 tỷ đồng, đạt 23,2% dự toán năm và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chi cho đầu tư phát triển trên 2.740 tỷ đồng, đạt 47,4% dự toán và tăng 18,3%; chi thường xuyên là 1.760 tỷ đồng, đạt 32,8% dự toán và giảm 15%.
 
Để doanh nghiệp "cất cánh"

Chú thích ảnh
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh Bắc Ninh với phương châm thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh có các phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với dịch bệnh, tỉnh đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra.
 
Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết, tỉnh Bắc Ninh thường xuyên nắm bắt những vướng mắc, khó khăn các doanh nghiệp thông qua các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp nhằm tìm hiểu, tiếp nhận phản ánh về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, động viên doanh nghiệp phát triển sản xuất.
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, tỉnh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại và thanh toán điện tử. Theo đó, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID- 19.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, đề xuất phương án đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực; có kế hoạch cụ thể đẩy nhanh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; công bố công khai việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp để biết và giám sát thực hiện...; trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trong đăng ký kinh doanh.
 
Bà Nguyễn Hương Giang cũng nhấn mạnh, một trong những giải pháp mạnh mẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tỉnh đã giao Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, báo cáo thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp. Từ đó, có các giải pháp bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ….
 
“Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường khảo sát, đánh giá tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp, từ đó có phương án đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID- 19. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động.

Thực tế, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp cùng doanh nghiệp, đưa và giám sát hàng trăm chuyên gia nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều này không chỉ bảo đảm công tác phòng dịch, mà còn giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất” - bà Nguyễn Hương Giang khẳng định.
 
Trong thời gian tới, nhằm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng kịch bản cụ thể đối với các ngành, địa phương; trong đó, nhiệm vụ cụ thể, thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh. Với ngành công nghiệp, thực hiện tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao, hiện đại, công nghiệp hỗ trợ, quan tâm thúc đẩy công nghiệp trong nước; đẩy mạnh thu hút đầu tư mới cùng với chăm sóc các doanh nghiệp FDI đã và đang hoạt động. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Với tâm thế chủ động, nỗ lực của từng doanh nghiệp, cùng sự vào cuộc kịp thời của các tổ chức tín dụng và hơn cả là sự đồng hành của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Thái Hùng- Thanh Thương- Quang Nhiều (TTXVN)
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó - Bài 2: Bà đỡ của doanh nghiệp
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó - Bài 2: Bà đỡ của doanh nghiệp

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19, các ngân hàng đã đăng ký cung ứng với tổng số vốn 300.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn trước khi có dịch 0,5-2,5% và chủ động xác định tiêu chí giải ngân cho khách hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN