Niềm vui nông thôn mới Không còn ám ảnh với nỗi khổ con đường lầy lội vào mùa mưa, tung bụi trong ngày nắng, bà con trong buôn làng người Chu Ru ở xã Ka Đô (Đơn Dương) đã được đi trên con đường bê tông hóa kiên cố. Con đường liên thôn này chính là kết quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới do xã Ka Đô triển khai trong 5 năm qua. Ông Tou Prong Dzung (già làng, người có uy tín của xã Ka Đô) chia sẻ: “Từ ngày có chương trình nông thôn mới, Ka Đô đã khác hẳn với cách đây năm, mười năm trước, hôm nay đường thông hè thoáng, nhà cửa khang trang hơn rất nhiều. Riêng vùng đồng bào dân tộc còn được hỗ trợ làm nhà kính, nhà lưới công nghệ cao giúp bà con nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống”.
Dự kiến trong năm 2017 - 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện Đề án xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn các huyện như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và huyện Lâm Hà. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN |
Về Ka Đô hôm nay dễ dàng nhận thấy bộ mặt nông thôn đã được đổi mới. Khu chợ cấp xã mới được xây dựng có quy mô lớn nhất trong vùng, nhiều con đường được kiên cố hóa dẫn đến từng thôn buôn và khu sản xuất. Cùng với cơ sở hạ tầng, các điều kiện về an sinh xã hội cũng ngày càng hoàn thiện giúp đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Ông Trương Văn Tùng (thôn Nam Hiệp 1, Ka Đô) chia sẻ: “Tôi rất vinh dự và phấn khởi khi địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành quả của công cuộc xây dựng này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân, con em đi học dễ dàng hơn và hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con cũng có nhiều chuyển biến”.
Không chỉ nhân dân xã Ka Đô, mà người dân ở nhiều địa phương khác của huyện Đơn Dương cũng cùng chung tâm trạng. Họ đang hưởng lợi trực tiếp từ thành quả sau thời gian chung tay xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện Đơn Dương đã có 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện chỉ còn 1,5% hộ nghèo, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên rõ rệt, đạt 170 triệu đồng/ha/năm trong năm 2015 (tăng 230% so với thời điểm 2010), nâng thu nhập bình quân đầu người lên 48 triệu đồng/năm.
Các lĩnh vực văn hóa - giáo dục, y tế, an ninh trật tự… cũng được đầu tư và có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Toàn huyện có 65% trường đạt chuẩn quốc gia, 10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn y tế, tỷ lệ hộ gia đình, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trên 80%. Công tác xây dựng hệ thống chính trị đã thật sự phát huy hiệu quả, tỷ lệ cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh hàng năm đạt trên 70%, chính quyền, mặt trận vững mạnh trên 80% và không có đơn vị yếu kém.
Nhân dân đồng thuận
Du khách tham quan một vườn dâu công nghệ cao tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN |
5 năm trước, Đơn Dương vẫn là huyện còn nhiều khó khăn. Đời sống nhân dân vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc. Thực trạng nông thôn ở thời điểm này ở mỗi xã chỉ đạt bình quân 5 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đặc biệt, toàn huyện còn 3 xã và 10 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn theo chương trình 135. Tuy nhiên cách làm hợp lý, có kế hoạch cụ thể ngay từ đầu đã giúp Đơn Dương sớm “cán đích” Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở đó, quán triệt Nghị quyết của Đảng về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân huyện Đơn Dương xác định đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ cấp bách, chiến lược vừa trước mắt vừa lâu dài. “Để phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống và đạt được kết quả, ngay từ đầu chúng tôi đã xác định cần phải gắn với phong trào thi đua yêu nước, lấy phong trào thi đua làm động lực để tạo sự đồng thuận và chung tay góp sức của nhân dân các dân tộc tại địa phương” - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Đinh Ngọc Hùng, chia sẻ.
Việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn mới được Đơn Dương hoàn thành ngay trong năm 2011. Trong đó chú trọng vào phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm đem đến cho người dân được hưởng lợi cao nhất. Chính vì thế, việc xây dựng kết cấu hạ tầng được nhân dân hưởng ứng tích cực, vào cuộc tham gia đóng góp từng mét đất, từng đồng tiền chắt chiu hay từng công lao động,... Người dân đã góp hàng chục ngàn mét vuông đất, trên 80 tỷ đồng để xây dựng trên 100 km đường giao thông, 40 km kênh mương, 64 km đường điện, các công trình thủy lợi, chợ nông thôn… qua đó góp phần lần lượt hoàn thiện từng tiêu chí tại các cấp cơ sở.
Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô ông Nguyễn Khánh Chỉnh chia sẻ kinh nghiệm: “Trong quá trình triển khai, chúng tôi mời người dân góp ý vào công tác quy hoạch, xây dựng đề án hay lộ trình hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Tiêu chí nào người dân cần làm trước, cái nào hợp lý hay chưa phù hợp và điều chỉnh ra sao đều có sự thống nhất của chính quyền địa phương và người dân sau đó mới triển khai thực hiện”. Ông Đinh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cũng nhận định: “Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra nhưng theo tôi trước hết là bài học sâu sắc trong nâng cao nhận thức của bộ máy chính quyền và quan trọng hơn cả là của nhân dân. Từ đó lan tỏa trong nhân dân, để họ hiểu được rằng trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong xây dựng nông thôn mới”.
Trong những ngày cuối năm, dư âm của niềm vui nông thôn mới vẫn còn. Phong trào thi đua, chung tay xây dựng kinh tế, xã hội của nhân dân và chính quyền huyện Đơn Dương cũng chưa dừng lại. Họ lại bắt tay vào chinh phục mục tiêu khác, biến Đơn Dương trở thành vùng phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp, mà cụ thể là nông nghiệp công nghệ cao theo hướng ngày càng hiện đại.