Thủ tướng dự Hội nghị Tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới

Ngày 8/12, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban chỉ đạo; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến dự và phát biểu. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế… tham dự Hội nghị.

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn trình bày tại Hội nghị cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn người dân vào xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước.

Đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo chương trình có hiệu quả hơn, nhất là trong việc xây dựng dự án, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án.

Nhiều địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất.

Kết quả cụ thể là tính đến hết tháng 11/2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng cờ thi đua của Chính phủ cho các huyện đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Ở cấp huyện, đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (Thành phố Hà Nội), Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Ngoài ra còn 8 huyện, thị xã đã có Tờ trình của UBND tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010)

Từ thực tế chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình trong 5 năm qua, nhiều bài học kinh nghiệm quý đã được rút ra, như: xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mục tiêu cụ thể được xác định trong giai đoạn 2016-2020 phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Để cụ thể hóa được mục tiêu trên, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Cùng với đó là tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn; h uy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình; đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, khen thưởng kịp thời và xứng đáng cho các tập thể làm tốt, các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực, hiệu quả cho Chương trình...

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy kết quả mới bước đầu đạt được song đã khẳng định được sự đúng đắn của một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và là phong trào được lòng dân, được nhân dân ủng hộ, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

“Có thể khẳng định, phong trào xây dựng nông thôn mới thời gian qua thực sự là một phong trào cách mạng sâu rộng; huy động được sự tham gia của toàn dân và thành công, kết quả đạt được cũng vì mục tiêu cuối cùng là xây dựng đời sống mới, chăm lo lợi ích thiết thực, nhiều mặt cho người nông dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh và khẳng định Quốc hội sẽ cùng các cấp chính quyền quan tâm, tập trung chỉ đạo để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả hơn nữa.

Để Chương trình tiếp tục được triển khai hiệu quả, sâu rộng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hệ thống chính trị không chỉ phải có quyết tâm cao mà “phải hành động bằng tất cả tình cảm, con tim của mình” hướng về người nông dân, khu vực nông thôn - một khu vực có tới 70% dân cư sinh sống; đồng thời phải luôn lấy người nông dân làm chủ thể; từ quy hoạch, đến đầu tư sản xuất, phát triển hạ tầng, chăm lo phát triển cho y tế, văn hóa, giáo dục,… cũng đều phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ lòng dân.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn tổng thể sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có thể khẳng định Chương trình đã được triển khai tích cực, đúng hướng, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực. Cả hệ thống chính trị đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, từ Chính phủ, đến các Bộ, ngành, địa phương đều tích cực vào cuộc; có kế hoạch triển khai cụ thể, rõ ràng.

Đến nay, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua, phong trào quần chúng sôi nổi và tương đối đều khắp trong cả nước. Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số cán bộ và người dân. Từ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước sang tự chủ thực hiện, tạo thành phong trào sôi động khắp cả nước. Đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất.

“Những kết quả này này tạo điều kiện, tiền đề để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới - một nội dung quan trọng trong nghị quyết tam nông của Trung ương trong 5 năm tới sẽ được thực hiện tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh những hạn chế của Chương trình cần phải tập trung khắc phục, trong đó có sự chênh lệnh tiêu chí giữa các xã ở các vùng miền còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo so với bình quân cả nước còn cao, số hộ nghèo ở các huyện nghèo chiếm tỷ lớn; nhận thức ở một số nơi về mục đích, ý nghĩa của Chương trình chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền còn có mặt còn hạn chế…


Về phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng tình với Báo cáo sơ kết của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ; nhấn mạnh mục tiêu được xác định trong giai đoạn 2016-2020 là những còn số rất cụ thể, đó là phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí. “Những con số này rất cụ thể, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chúng ta, cả hệ thống chính trị của chúng ta phải nỗ lực thực hiện”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới là rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thực hiện mục tiêu Chương trình; đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để chúng ta thực hiện Chương trình này này một cách hiệu quả. Đi liền với đó là đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị về xây dựng nông mới, phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên bởi xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện, hiện đại hóa đất nước đưa đất nước phát triển nhành và bền vững.

“Thực tế cho thấy, nơi nào được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, có sát sao trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm,… thì nơi đó Chương trình được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Chính vì vậy, việc đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức có ý nghĩa vô cùng quan trọng, phải tập trung chỉ đạo một cách thiết thực, cụ thể, hiệu quả và đồng bộ để đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đóng góp sức lực, của cải của mình vào sự nghiệp xây dựng nông thông mới. “Việc này vừa qua chúng ta đã làm, có kết quả nhưng vẫn còn chưa được tương xứng; ngược lại có cái làm còn dùng biện pháp hành chính để bắt buộc dân đóng góp quá mức; cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Một nhiệm vụ lớn nữa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là phải tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực cho xây dụng nông thôn mới. Trung ương sẽ cố gắng thu xếp, cân đối, bố trí nguồn lực cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng dựng nông thôn mới cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; đồng thời các địa phương cũng phải tính toán cân đối ngân sách địa phương, lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác; vận động nhân dân đóng góp phù hợp với khả năng; huy động các nguồn lực từ xã hội...

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến thực hiện một số tiêu chí thực hiện còn đạt ở mức thấp trong đó có tiêu chí về huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; tiêu chí về phát triển lực lượng sản xuất ở địa bàn nông thôn gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động; các tiêu chí về thúc đẩy sản xuất, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; tiêu chí về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn…

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn; Ban chỉ đạo các cấp tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức; nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới; phấn đấu nỗ lực hết mình để hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong giai đoạn 2016-2020.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 41 tập thể cấp huyện dẫn đầu trong phong trào dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 51 xã, thị trấn tiêu biểu trong Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

Thiện Thuật (TTXVN)
Đồng thuận xây dựng nông thôn mới
Đồng thuận xây dựng nông thôn mới

Sau 5 năm thực hiện Chương trình xây mục tiêu Quốc gia nông thôn mới (2010 - 2015), diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ rệt. Hơn 100.000 km đường giao thông nông thôn, nhiều nhà văn hóa, nhà trẻ... được xây dựng. Đặc biệt, đời sống của nông dân được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN