Đón đầu EVFTA, doanh nghiệp châu Âu tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam

Không đợi tới khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, mấy năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) châu Âu đã “đổ bộ” vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Xu hướng này được dự báo sẽ ngày càng nở rộ.

Lạc quan về triển vọng kinh doanh

Trong lần đưa đoàn xúc tiến thương mại đến Việt Nam vào tháng 4 vừa rồi, vị Giám đốc quốc tế của Tổ chức Liên ngành nền công nghiệp thịt bò Tây Ban Nha (Provacuno) cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên mà các nhà sản xuất và xuất khẩu thịt bò Tây Ban Nha đang hướng tới.

dn eu
Các doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực và lạc quan về EVFTA. Đồ họa: TTXVN.

Hiện đã có 4 DN Tây Ban Nha được cấp phép xuất khẩu thịt bò vào Việt Nam và 7 nhà xuất khẩu thịt bò khác đang chờ hoàn tất thủ tục này. Đại diện Tổ chức Liên ngành nền công nghiệp thịt bò Tây Ban Nha chia sẻ, khẳng định sự tin tưởng rằng thịt bò Tây Ban Nha có thể thâm nhập tốt vào Việt Nam, trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam nhập đến 60.000 tấn thịt bò các nước.

"Với dân số tương lai dự kiến đạt hơn 100 triệu dân, trong đó đa phần là dân số trẻ, Việt Nam là thị trường tiềm năng của các DN Tây Ban Nha. Chúng tôi đã xuất khẩu một lượng nhỏ thịt bò châu Âu sang Việt Nam để chào hàng, làm quen với người tiêu dùng, đồng thời có kế hoạch quảng bá trong ba năm, bắt đầu từ cuối 2018", ông José Ramón Godoy, Giám đốc Quốc tế của Provacuno cho biết.

Còn Công ty Nestlé Việt Nam (thuộc Tập đoàn Nestlé Thụy Sỹ) đã khánh thành Trung tâm Phân phối Nestlé Bông Sen tại tỉnh Hưng Yên, nằm trong khuôn viên nhà máy Nestlé Bông Sen. Đây là Trung tâm Phân phối lớn nhất khu vực phía Bắc của Công ty này.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Ganesan Ampalavanar, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho biết: Cùng với việc khánh thành trung tâm phân phối này, Nestlé Việt Nam sẽ hoàn tất việc lắp đặt thêm các dây chuyền sản xuất MILO uống liền tại nhà máy Nestlé Bông Sen vào tháng 9/2019

"Với khoản đầu tư này, chúng tôi sẽ tăng gấp đôi công suất sản xuất MILO uống liền tại nhà máy Nestlé Bông Sen và tính đến năm 2020 sẽ tăng tổng mức đầu tư của công ty TNHH Nestlé Việt Nam tại Hưng Yên lên hơn 100 triệu USD", ông Ganesan Ampalavanar cho hay.

Tại Việt Nam, Nestlé điều hành 6 nhà máy với hơn 2.300 nhân viên. Qua nhiều lần liên tục tăng vốn, mở rộng đầu tư, tổng vốn đầu tư của Nestlé vào Việt Nam đến nay đã lên đến gần 600 triệu USD. Bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam nhấn mạnh: “Nestlé là nhà đầu tư lớn nhất của Thụy Sỹ tại Việt Nam. Tầm nhìn đầu tư và cam kết đầu tư dài hạn của Nestlé tại Việt Nam thể hiện tiềm năng của đất nước này như một địa điểm kinh doanh ngày càng hấp dẫn”.

Chú thích ảnh
Nhà máy "triệu đô" của Nestlé đầu tư tại Hưng Yên. Ảnh: HD

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cuối năm 2018, 6 công ty của Đan Mạch (Skiold, Munters, Tornordic, Danbred, Vilomix, Haarslev) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Tân Long, chính thức ứng dụng các giải pháp tiên tiến của Đan Mạch vào các dự án nông nghiệp tại Việt Nam như: trang thiết bị cho trang trại chăn nuôi lợn, xử lý ngũ cốc, giải pháp cho nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, cung cấp giống heo, chương trình dinh dưỡng, nhà máy giết mổ, chế biến...

“Chúng tôi rất vui mừng và vinh dự khi được trở thành đối tác cung cấp giải pháp và thiết bị cho dự án làm sạch, sấy khô và lưu trữ lúa gạo lớn nhất Việt Nam, có công suất 120.000 tấn và mở rộng ở giai đoạn hai lên tới 240.000 tấn”, ông Lasse Vegiegand Hansen, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sliold cho hay.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Italy - ASEAN vừa tổ chức đầu tháng 6 tại Hà Nội, lãnh đạo và DN Italy và Việt Nam đã thống nhất phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 6 tỷ USD trong năm 2020 và tiến tới 10 tỷ USD trong tương lai gần.

Hiện Italy đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN, với mức trao đổi thương mại hai chiều là gần 5 tỷ USD (năm 2018) và 440 triệu USD vốn đầu tư tính trong 6 tháng đầu năm 2019.

Theo khảo sát của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), được thu thập từ hơn 130 DN, chiếm hơn 10% số thành viên của Eurocham, có tới 40% DN cho rằng EVFTA sẽ tác động mạnh đến kế hoạch đầu tư dài hạn của họ (5 - 10 năm), 58% số DN quan tâm nhiều nhất tới việc mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan trong EVFTA.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Những dẫn chứng cụ thể ở trên đã minh chứng cho sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam với các nhà đầu tư châu Âu. Tới đây, khi các hiệp định EVFTA và EVIPA được ký kết và có hiệu lực, sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn nữa cho DN châu Âu đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Về phía các DN nước bạn, họ mong muốn Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa.

Ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Hiệp hội DN Italy tại Việt Nam (ICham), cho biết: Năm 2019, sức hấp dẫn đầu tư FDI của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất công nghệ cao và công nghiệp dịch vụ đang chọn Việt Nam là điểm đến. Các DN Italy đang xem xét nhiều đến việc đầu tư hoặc dời cơ sở hiện tại của họ từ các nước châu Á khác sang Việt Nam, chủ yếu ở khu vực TP Hồ Chí Minh.

"Các DN EU mong muốn Việt Nam cải thiện hơn nữa các vấn đề như hậu cần và cơ sở hạ tầng, tăng trưởng xanh, thuế và chuyển giá, nguồn nhân lực và các vấn đề pháp lý. Những điểm nghẽn này nếu được xem xét tháo gỡ sẽ giúp Việt Nam khai thác trọn vẹn lợi ích của EVFTA và tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tăng trưởng và phát triển”, đại diện DN EU nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Các DN châu Âu ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN.

EVFTA khi có hiệu lực cũng hứa hẹn sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN hai bên. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, một số nội dung như minh bạch hóa, cải cách thể chế, cạnh tranh... trong Hiệp định tuy không tác động trực tiếp về mở cửa thị trường nhưng sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, mang lại tác động tích cực đến tiến trình cải cách thể chế, giúp hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định liên quan, có tác động lâu dài, sâu rộng và tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp hai bên. 

"Trong Hiệp định này, Việt Nam có cam kết trong các lĩnh vực mới như mua sắm Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ mức độ cao, chính sách cạnh tranh... Các cam kết này sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng; đồng thời đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước liên quan. Việt Nam và EU cũng đã thống nhất khuôn khổ cho các chương trình hợp tác và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn, với khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18 - 3,25% trong giai đoạn 2019 - 2023 và 4,57 - 5,30% giai đoạn 2024 - 2028.
Hoàng Dương/Báo Tin tức
Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về EVFTA
Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về EVFTA

Các doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực và lạc quan về EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN