Đây là nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam tại Hội thảo “Hiệp định CPTPP- EVFTA – những tác động đối với ngành Dệt May Việt Nam” do Hiệp hội Dệt May Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, tại TP Hồ Chí Minh, ngày 2/8.
Theo ông Vũ Đức Giang, mặc dù cả 2 Hiệp định này chưa chính thức có hiệu lực nhưng đã tạo ra sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào nguồn cung ngành dệt may Việt Nam. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, dệt may Việt Nam đã thu hút được 2,8 tỷ USD từ nguồn vốn FDI, đưa lũy kế đầu tư nước ngoài vào ngành đạt khoảng 17,5 tỷ USD.
“Nửa đầu năm 2018, nhiều dự án đầu tư lớn đã được triển khai như Nhà máy kéo sợi len lông cừu hiện đại bậc nhất thế giới do Đức đầu tư tại Đà Lạt hay Nhà máy sản xuất chỉ của Mỹ tại Đồng Nai…. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã mạnh dạn đầu tư vào các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, những nhà máy này chính là chìa khóa giải quyết vấn đề phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu của dệt may Việt Nam trong những năm tới, giúp sản phẩm Việt Nam có thể giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá thành sản phẩm”, ông Giang nhấn mạnh.
Bên cạnh thu hút đầu tư, CPTPP và EVFTA cũng giúp thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam trong thời gian gần đây. Nếu như trước đây, các nhà mua hàng của Canada, Australia và New Zeland hầu như không quan tâm tới sản phẩm dệt may Việt Nam mà chỉ tập trung thu mua của Trung Quốc thì hiện tại, có rất nhiều nhà thu mua từ các quốc gia này vào Việt Nam tìm hiểu sản phẩm và có những đơn hàng cụ thể được ký kết. Sự chuyển dịch thu mua của các doanh nghiệp nước ngoài chính là động lực để củng cố xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu dệt may tại Việt Nam.
Ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, cơ hội với ngành dệt may Việt Nam khi các Hiệp định này có hiệu lực là rất lớn. Tuy nhiên, để được hưởng những lợi ích từ các FTA trên, khó khăn mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải vượt qua cũng không nhỏ. Cụ thể, về đầu tư, doanh nghiệp trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh nhiều hơn từ các doanh nghiệp FDI. Còn về thương mại, các nội dung về quy tắc xuất xứ khá chặt chẽ và nếu đối tác phát hiện có sự gian lận về nguồn gốc xuất xứ thì chế tài xử lý cũng rất nặng.
Vì vậy, để biến các cơ hội thành những đơn hàng cụ thể và duy trì quan hệ đối tác lâu dài, bên cạnh việc nhạy bén, chủ động tiếp cận các thị trường mới, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến việc đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo quy trình giám sát chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất.