Đổi mới xúc tiến thương mại - Bài cuối: Hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan xúc tiến thương mại và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động kết nối trực tuyến đã góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, ổn định và phục hồi kinh tế cả nước.

Đó cũng là động lực để các cơ quan xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại mới tương thích với sự phát triển của kinh tế số.

Chú thích ảnh
Ngày 13/8/2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến quốc tế “Sản phẩm nhãn Việt Nam 2020” nhằm hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, xuất khẩu nhãn và sản phẩm nhãn sang thị trường quốc tế trên môi trường trực tuyến. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Duy trì liên kết

Năm 2020, dù gặp khó khăn trong việc gặp gỡ, kết nối giao thương xong các chương trình cập nhật thông tin thị trường, kết nối trực tuyến đã giúp doanh nghiệp giữ liên hệ chặt chẽ với khách hàng, nhà nhập khẩu ở nhiều khu vực thị trường quan trọng.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thời gian qua, các hoạt động kết nối thị trường trực tuyến đã thực sự đem lại những hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các mối liên hệ không gián đoạn với thị trường xuất khẩu mục tiêu. Doanh nghiệp được cập nhật về xu hướng, diễn biến, nhu cầu thị trường, cơ hội kinh doanh ngay tại văn phòng của mình mà hầu như không tốn bất kỳ chi phí nào.

Thông qua các phiên kết nối giao thương trực tuyến, nhiều doanh nghiệp bước đầu đã gặp gỡ được các đối tác triển vọng, có thỏa thuận về số lượng, quy cách sản phẩm, giá cả, điều kiện giao hàng, và có thể tiến tới ký hợp đồng trong thời gian tới.

Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020 là hội nghị giao thương trực tuyến đầu tiên về sản phẩm nhãn Việt Nam được tổ chức, có sự kết nối đồng thời với nhiều thị trường nước ngoài.

Thông qua hội nghị này, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài đã hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác kinh doanh.

Hội nghị thu hút hơn 70 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nông sản từ các thị trường xuất khẩu nhãn của Việt Nam; trong đó có trên 40 thương nhân, nhà nhập khẩu đến từ Trung Quốc, giao dịch trực tuyến với trên 30 nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố của Việt Nam là: Hưng Yên, Bến Tre, Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn và Sơn La.  

Ngay tại hội nghị, Công ty Xuất nhập khẩu hoa quả Chánh Thu đã ký hợp đồng cung ứng nhãn tươi cho Công ty Suncrop (Singapore); Công ty Việt Phúc đạt được thỏa thuận xuất khẩu nhãn tươi và long nhãn cho đối tác tại Trung Quốc với số lượng từ 3-4 container 40’/ngày. Nhiều nhà mua hàng Trung Quốc đã trực tiếp thỏa thuận thu mua nhãn tươi của các hợp tác xã trồng nhãn tại Khoái Châu, Hưng Yên với sản lượng 10 tấn nhãn quả tươi/ngày (thông qua các doanh nghiệp trong nước vận chuyển lên cửa khẩu và giao nhận tại các cửa khẩu).

Sau gần 6 tháng triển khai, nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE đã thu hút hơn 80 showroom định dạng thực tế ảo. Nhiều doanh nghiệp qua đó đã có được đơn hàng mà "không tiếp xúc."

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE và nhận được đơn hàng rất sớm, bà Đinh Thị Hương Nga, Giám đốc Hương Nga Fine Arts chia sẻ, trong suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát, lây lan, đội ngũ nhân viên bán hàng của công ty đã phải hoạt động cật lực để duy trì liên hệ với khách hàng nước ngoài nhưng hầu như không thể tìm được đơn hàng mới nào.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tháng từ khi giới thiệu showroom của công ty trên nền tảng HOPE đến các khách hàng, công ty đã nhận được hai hợp đồng mới, một đơn hàng đến từ khách hàng cũ và một khách hàng hoàn toàn mới.

“Trước đây, khách mua hàng, đặc biệt là với sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ thường phải đến triển lãm trực tiếp hoặc showroom để nhìn tận mắt, sờ tận tay, tìm hiểu rất kỹ thông tin mới đi đến ký kết đơn hàng. Do đó, trong thời gian dịch bệnh, mặc dù khách hàng có nhu cầu và doanh nghiệp cũng thường xuyên liên hệ vẫn không thể chốt đơn. Với triển lãm trực tuyến HOPE, công nghệ hình ảnh sinh động, thông tin sản phẩm, nhà máy đều được công bố rất chi tiết đã tạo niềm tin rất lớn để khách hàng đi đến quyết định đặt hàng.”, bà Đinh Thị Hương Nga cho biết thêm.

Trong khi đó, sau thời gian nghiên cứu các bản tin thị trường và tham gia chương trình giao thương trực tuyến do ITPC tổ chức, Công ty Thực phẩm Bích Chi cũng kết nối được với khách hàng tại Úc và Thái Lan.

Ông Hồ Tuấn Kiệt, chuyên viên xuất khẩu Công ty Thực phẩm Bích Chi chia sẻ: Doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng thực phẩm như bún, phở khô và có nhu cầu xuất khẩu khá lớn. Tuy nhiên, năm 2020 do dịch COVID-19 nên việc kết nối trực tiếp với các khách hàng tại các hội chợ, triển lãm thực phẩm không thực hiện được. Nhờ sự hỗ trợ của ITPC, doanh nghiệp đã tham dự các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến và có cơ hội kết nối với các nhà nhập khẩu phục vụ kênh phân phối dành cho cộng đồng người châu Á.

Theo ông Hồ Tuấn Kiệt, chương trình giao thương của ITPC thời gian qua thu hút sự tham gia của nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài có nhu cầu thật sự, nhờ đó, khả năng tìm được đối tác cho doanh nghiệp xuất khẩu cao hơn. Hơn nữa, với việc kết nối với các đầu mối như ITPC cũng tạo được niềm tin cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn nhà nhập khẩu, từ đó thúc đẩy quá trình thương thảo về chất lượng, quy cách, mẫu mã sản phẩm diễn ra thuận lợi hơn.

Hình thành hệ sinh thái mới

Chú thích ảnh
Xuất khẩu lâm sản năm 2020 tăng ấn tượng, xuất siêu kỷ lục trên 10 tỷ USD. Ảnh minh họa: TTXVN

Mặc dù xúc tiến thương mại trực tuyến mới chỉ phổ biến kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và ban đầu chỉ được xem như một giải pháp tình thế trong bối cảnh hạn chế đi lại. Tuy nhiên, đến hiện tại, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định, đây sẽ là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ đắc lực cho xúc tiến thương mại trực tiếp.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC phân tích, kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào xuất khẩu là chính, vì vậy, những biến động bất ngờ, làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế như dịch COVID -19 sẽ có tác động rất lớn đến tăng trưởng.

Do đó, để thích nghi với mọi tình huống, các cơ quan xúc tiến thương mại và doanh nghiệp buộc phải tìm ra phương thức kết nối mới, có thể ứng dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau là vô cùng cần thiết. Việc tận dụng các nền tảng công nghệ thông tin để tìm kiếm cơ hội giao thương được xem là giải pháp khả thi nhất hiện nay.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, ông Zacharie Blondeau, Giám đốc cung ứng Source of Asia is based in Vietnam (SOA) nhấn mạnh, phương thức kết nối truyền thống và hiệu quả nhất trong thương mại quốc tế là gặp gỡ trực tiếp (B2B) để chia sẻ thông tin và thẩm định sản phẩm trước khi đưa ra quyết định hợp tác.

Tuy nhiên, trong những trường hợp như dịch bệnh, việc đi lại khó khăn đã khiến phương thức này không còn khả dụng. Để duy trì vòng lưu chuyển hàng hóa và tìm kiếm khách hàng mới các doanh nghiệp và đối tác phải chủ động chuyển sang kết nối trực tuyến.

"Với sự phát triển vượt bậc về công nghệ truyền dẫn hình ảnh và âm thanh, doanh nghiệp có thể kết nối với khách hàng thông qua các công cụ trực tuyến, sử dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu sản phẩm. Điều này giúp doanh nghiệp và đối tác rút ngắn được khoảng cách về không gian, thời gian và tiết kiệm chi phí mà vẫn đạt được hiệu quả cao.", ông Zacharie Blondeau chia sẻ.

Bà Bùi Thị Thanh An nhấn mạnh, xúc tiến thương mại trực tuyến đã làm rất tốt vai trò cầu nối doanh nghiệp sản xuất và người mua hàng trong bối cảnh hạn chế đi lại, hạn chế tổ chức sự kiện tập trung đông người.

Nhờ kết nối trực tuyến, doanh nghiệp duy trì được các mối liên hệ với thị trường xuất khẩu mục tiêu, đồng thời cũng là công cụ tìm hiểu về xu hướng, diễn biến, nhu cầu thị trường, nắm bắt thông tin về đối thủ cạnh tranh mà không tốn nhiều thời gian, chi phí. 

Chính vì vậy, ngay cả khi dịch COVID-19 chấm dứt thì xúc tiến thương mại trực tuyến vẫn sẽ được tổ chức một cách thường xuyên với vai trò hỗ trợ thông tin đắc lực cho các hội chợ, triển lãm trực tiếp.

Theo bà Bùi Thị Thanh An, tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại đã được đẩy nhanh hơn 5 năm so với bối cảnh không có dịch COVID-19. Từ việc thích nghi với dịch bệnh, Cục Xúc tiến thương mại đang phát triển các nền tảng ứng dụng công nghệ số nhằm tạo ra hệ sinh thái xúc tiến thương mại mới bao gồm hội chợ, triển lãm trực tuyến, cơ sở dữ liệu tập trung trực tuyến, cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại,…tạo điều kiện để tất cả doanh nghiệp có thể tiếp cận chương trình xúc tiến thương mại với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất.

Để có thêm các cơ hội gặp gỡ khách hàng trong và ngoài nước, trước tiên, các doanh nghiệp nên thường xuyên tham gia các hoạt động giao thương, hội nghị, hội thảo trực tiếp và trực tuyến. Doanh nghiệp cũng nên chủ động chuyển đổi số như xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của công ty mình một cách chuyên nghiệp; tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trên thế giới.

Với sự phát triển công nghệ và xu hướng mua sắm mới, việc nâng cao năng lực marketing sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng.

Xuân Anh (TTXVN)
Đổi mới xúc tiến thương mại - Bài 1: Thích nghi với biến động dịch COVID-19
Đổi mới xúc tiến thương mại - Bài 1: Thích nghi với biến động dịch COVID-19

Dịch COVID-19 bùng phát từ cuối năm 2019, lan rộng trên toàn cầu đã khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN