Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Gia Lai là địa phương có diện tích lớn thứ hai cả nước, có rất nhiều tiềm năng về nông nghiệp, du lịch, chế biến công nghiệp thực phẩm; là đầu mối trung chuyển trong hành lang Đông - Tây của Tây Nguyên. Việc kết nối sẽ giúp những nhà thương mại, nhà đầu tư giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại, công nghiệp của tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đến với người tiêu dùng cả nước.
Để có thể thương mại hóa mạnh mẽ hơn nữa những sản phẩm OCOP của Gia Lai, ông Phú cho rằng, Gia Lai cần có các trung tâm, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, không chỉ đặt ở Gia Lai mà còn ở những thành phố lớn và đưa sản phẩm OCOP đạt chuẩn vào những hệ thống phân phối lớn của các hãng phân phối tại Việt Nam.
Theo đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp cũng như hỗ trợ Gia Lai trong việc đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh vào trong các chuỗi phân phối, hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam như Big C, Central, Saigon Co.op.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết, tỉnh luôn mong muốn các đơn vị kinh tế tiếp tục nâng tầm sản phẩm OCOP qua việc nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tạo uy tín với người tiêu dùng.
Mỗi khu vực trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu khác biệt nên đã tạo ra những sản phẩm truyền thống, đặc trưng, lợi thế độc đáo khác nhau. Thực hiện chương trình OCOP đã mở ra hướng phát triển với các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở các vùng, miền.
Hiện nay, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai có chất lượng tốt từ chương trình OCOP là cà phê Classic, cà phê Lamant, khoai lang Lệ Cần, cá lăng sông Sê San, thịt bò một nắng Krông Pa, mật ong rừng, nấm linh chi, hồ tiêu Lệ Chí… không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong cả nước. Ngoài những sản phẩm này, Gia Lai sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được người tiêu dùng cả nước biết đến.
Là chủ một thương hiệu tham gia hội chợ vừa qua, chị Nguyễn Thanh Thảo - chủ cơ sở Chuya Food (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ), cho hay, sản phẩm trà bí đao Chuya Food, thịt lợn Brong một nắng và măng sấy của cơ sở đã đạt OCOP 3 sao năm 2020. Chị Nguyễn Thanh Thảo mong muốn sẽ đưa được các mặt hàng của cơ sở đến gần hơn với người tiêu dùng, đồng thời, muốn có cơ hội giao lưu, hợp tác với các sản phẩm OCOP của các tỉnh khác.
Ông Ngô Viết Giỏi, chủ cơ sở chế biến thuỷ sản Cô Sáu (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) kỳ vọng sản phẩm đặc sản của địa phương sẽ được quảng bá, giới thiệu đến đông đảo khách hàng. Ông Giỏi cho hay, sản phẩm chả cá thác lác Cô Sáu Ayun Hạ vừa đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Đây là chứng nhận tiêu chuẩn về mọi mặt để sản phẩm tạo dựng niềm tin và uy tín với khách hàng. Thông qua những hội chợ như thế này, cơ sở có điều kiện để kết nối, hợp tác, phát triển thị trường vươn ra ngoài tỉnh.
Chị Phạm Mỹ Lệ, buôn bán tại huyện Krông Pa, Gia Lai, cho biết nghe tin có hội chợ triển lãm, chị cùng một số người bạn đã đến tham quan vì chị đang có dự định kinh doanh một số mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương như bò một nắng, cà phê, tiêu, măng khô, mật ong. Khi đến hội chợ, chị đã tìm được một số cơ sở sản xuất đáp ứng đủ điều kiện cung cấp hàng cho mình.
Năm 2019, tỉnh Gia Lai có 42 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh (8 sản phẩm đạt 4 sao, 34 sản phẩm đạt 3 sao). Đến năm 2020, toàn tỉnh có 107 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh (14 sản phẩm đạt 4 sao, 93 sản phẩm đạt 3 sao) nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh của Gia Lai lên 149 sản phẩm (22 sản phẩm đạt 4 sao, 127 sản phẩm đạt 3 sao).